Một loại sâu hoành hành khiến lúa cháy đen, dân huyện này ở Nghệ An lo mất mùa

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ tư, ngày 06/09/2023 12:31 PM (GMT+7)
Thời tiết bất lợi, rầy nâu phát triển mạnh trên các cánh đồng ở xã Châu Kim, Mường Nọc, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nhiều nơi, lúa đã cháy đen người dân nơi đây lo mất mùa, đói kém.
Bình luận 0

Rầy nâu bùng phát trên diện rộng ở huyện miền núi Nghệ An

Hiện tại trên các cánh đồng ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An một diện tích rất lớn lúa vụ mùa đang nhiễm rầy nâu nặng. Nhiều nơi cây lúa đã chuyển sang màu vàng, thậm chí có nơi cháy đen, nguy cơ mất trắng. Trong đó các địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh nặng nhất là xã Châu Kim, thị trấn Kim Sơn, xã Mường Nọc, xã Châu Thôn, xã Tri Lễ…

Rầy nâu hoành hành, có nơi lúa cháy đen, dân huyện này ở Nghệ An lo mất mùa, đói kém - Ảnh 1.

Hội Nông dân huyện Quế Phong kiểm tra diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: L.H

Ông Lô Văn Đên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Nọc chia sẻ, toàn xã có 195 ha lúa vụ mùa. Hầu hết diện tích lúa trên địa bàn đã bị nhiễm rầy nâu. Trong đó, hơn 5 ha bị nhiễm nặng có nguy cơ mất trắng hoàn toàn, 120 ha ở mức độ trung bình, khoảng 70 ha bị nhiễm bệnh nhẹ.

Rầy nâu hoành hành, có nơi lúa cháy đen, dân huyện này ở Nghệ An lo mất mùa, đói kém - Ảnh 2.

Hiện tại, nhiều diện tích lúa tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bị nhiễm rầy nâu nặng. Ảnh: L.H

Cũng theo ông Đên, trước đó, địa phương cũng đã chủ động kiểm tra, khuyến cáo người dân phun thuốc phòng trừ và diệt rầy nâu ngay khi phát hiện. Khi diện tích lúa nhiễm bệnh tăng cao, UBND xã Mường Nọc cũng đã tổ chức phun thuốc diệt trừ rầy nâu đồng loạt trên các cánh đồng của địa phương. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, sáng nắng chiều mưa nên việc phun thuốc không mang lại hiệu quả. Vì thế, diện tích lúa nhiễm bệnh ngày một tăng nhanh.

Với điều kiện khí hậu đặc thù, tại huyện Quế Phong, lúa vụ mùa được gieo cấy muộn hơn các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Trong khi một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch thì tại huyện Quế Phong hiện tại lúa đang trong thời kỳ làm đòng, trổ bông.

Rầy nâu hoành hành, có nơi lúa cháy đen, dân huyện này ở Nghệ An lo mất mùa, đói kém - Ảnh 3.

Người dân tập trung phun thuốc diệt rầy nâu nhưng hiệu quả không cao do điều kiện thời tiết bất lợi. Ảnh: L.H

Năm nay, nguồn nước thuận lợi nên diện tích lúa tại các địa phương ở huyện Quế Phong tăng. Toàn huyện Quế Phong có 2.552 ha lúa. Ngay từ đầu mùa vụ, khi phát hiện một số loại sâu bệnh trên cây lúa, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quế Phong đã có văn bản gửi các phòng ban chuyên môn và 12 xã, thị trấn đề nghị tăng cường chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và diệt ốc bươu vàng hại lúa.

Trong đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quế Phong yêu cầu Hội Nông dân các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với các phòng, ban chuyên môn thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình sâu bệnh, rầy nâu, ốc bươu vàng và các loại côn trùng gây hại khác. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch, các biện pháp phòng chống sâu bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Rầy nâu hoành hành, có nơi lúa cháy đen, dân huyện này ở Nghệ An lo mất mùa, đói kém - Ảnh 4.

Toàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có 2.552 ha lúa vụ mùa. Trong đó, 1.400 ha lúa vụ mùa đã nhiễm rầy nâu. Ảnh: L.H

Mặc dù vậy, mùa này ở huyện Quế Phong nắng mưa thất thường, rất thuận lợi cho rầy nâu phát triển nên việc phòng trừ không hiệu quả cao. Khi người dân phun thuốc vào buổi sáng thì đến chiều có mưa nên thuốc mất tác dụng.

Có nơi lúa cháy đen, dân lo đói

Thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có khoảng 257 ha lúa vụ mùa, hầu hết diện tích lúa đã bị nhiễm rầy nâu. Nhiều ruộng lúa đã chuyển màu vàng.

Rầy nâu hoành hành, có nơi lúa cháy đen, dân huyện này ở Nghệ An lo mất mùa, đói kém - Ảnh 5.

Ngay từ đầu mùa vụ, Hội Nông dân huyện Quế Phong cùng các phòng ban chuyên môn đã chủ động kiểm tra, triển khai các biện pháp phòng chống sâu bệnh trên cây lúa. Ảnh: L.H

Bà Lô Thị Lan – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Kim Sơn cho biết, hiện một số diện tích lúa đã cháy đen, mất trắng hoàn toàn. Hiện tại, địa phương cũng đang thống kê mức độ thiệt hại cụ thể.

Nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở huyện miền núi Quế Phong trông cậy vào thu hoạch lúa vụ mùa. Với thực trạng lúa nhiễm rầy nâu như hiện tại thì nguy cơ mất mùa rất cao.

Rầy nâu hoành hành, có nơi lúa cháy đen, dân huyện này ở Nghệ An lo mất mùa, đói kém - Ảnh 6.

Nhiều diện tích lúa bị cháy đen do nhiễm rầy nâu. Ảnh: L.H

Phan Xuân Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, theo số liệu thống kê sơ bộ đến ngày 1/9 toàn huyện có khoảng 1.400 ha lúa vụ mùa bị nhiễm rầy nâu. Trong đó có 357 ha lúa bị nhiễm nặng nguy cơ mất trắng, hoặc sản lượng giảm từ 50 đến 70%.

Rầy nâu hoành hành, có nơi lúa cháy đen, dân huyện này ở Nghệ An lo mất mùa, đói kém - Ảnh 7.

Hơn 1 nửa diện tích lúa của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã nhiễm rầy nâu có nguy cơ mất trắng hoặc sản lượng giảm từ 50% đến 70%. Ảnh: L.H

Trước đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NNPTNT và các cơ quan chuyên môn huyện Quế Phong cũng đã nhiều lần khảo sát thực tế, tham mưu UBND huyện ban hành 2 công điện để chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại lúa. 

Tuy nhiên, rầy nâu xuất hiện vào thời điểm cây lúa đang làm đòng. Khi bà con phun thuốc thì có mưa kéo dài trong khoảng 1 tuần nên mất "thời điểm vàng" để diệt trừ rầy nâu. Sau mưa, rầy nâu phát triển mạnh, cây lúa đã bắt đầu cháy lá, chuyển sang màu vàng nên việc phun thuốc không mang lại hiệu quả cao.

Đối với diện tích lúa chưa bị nhiễm bệnh, huyện Quế Phong đang tích cực hướng dẫn người dân và chính quyền địa phương chủ động các biện pháp phòng chống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem