Rối nước Đào Thục ở huyện Đông Anh trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

PV Thứ hai, ngày 13/03/2023 17:17 PM (GMT+7)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bình luận 0

Theo Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Rối nước Đào Thục ở huyện Đông Anh trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia - Ảnh 1.

Phường rối nước Đào Thục biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: hanoi.gov.vn

Đào Thục là một ngôi làng cổ (nay thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 25km. Nghề múa rối nước ở làng có từ thời Lê Trung Hưng, cách đây khoảng hơn 300 năm.

Tổ nghề múa rối nước Đào Thục là ông Đào Đăng Khiêm, một người từng làm quan trong triều đình. Sau khi rời quan trường, ông về Đào Thục dạy nhân dân nghệ thuật múa rối nước.

Trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng như mai một, nghề rối nước Đào Thục với tình yêu, trách nhiệm của các thế hệ nhân dân địa phương, đã được gìn giữ, bảo tồn hiệu quả, tạo thành thương hiệu vang xa.

Rối nước tại làng Đào Thục hấp dẫn người xem với hơn 10 tích trò. Đa phần đều là những vở rối truyền thống từ thời mới thành lập.

Những tiết mục hầu hết đều bắt nguồn từ những câu chuyện thường nhật gắn liền với người nông dân như cấy lúa, câu cá, chăn trâu, đánh đu…Ngoài ra, còn có những tiết mục biểu diễn theo các câu chuyện truyền thuyết.

Bên cạnh những tiết mục mang tính truyền thống, hiện nay, làng Đào Thục cũng có những tiết mục hiện đại để phục vụ khán giả như vở kịch "chiến thắng Điện Biên Phủ 12 ngày đêm", "Rước ảnh Bác Hồ"… thu hút đông đảo người xem.

Giá trị văn hóa phi vật thể của làng rối nước Đào Thục được thể hiện qua thời gian bên cạnh những tích trò cổ, lưu giữ qua nhiều thế hệ, còn sáng tác thêm nhiều tích trò mới, ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện sự tiếp nối truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của môn nghệ thuật cổ truyền ở làng.

Không chỉ trực tiếp sáng tác các tích trò và biểu diễn, người Đào Thục còn đích thân làm ra những quân trò rối, từ chú Tễu, Thạch Sanh, Tấm Cám, cô tiên… đến gà, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày… vô cùng sinh động và bắt mắt, trở thành nét riêng độc đáo của nghệ thuật rối nước Đào Thục.

Hiện nay, ngoài hoạt động biểu diễn phục vụ khách, các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục còn tổ chức nhiều dịch vụ du lịch phụ trợ nên là địa chỉ du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem