Rối nước làng Rạch mày mò tìm khán giả

Dương Xuân Thứ bảy, ngày 27/06/2015 08:00 AM (GMT+7)
Ông Phan Văn Mẽ - truyền nhân đời thứ 6 của rối nước làng Rạch không chịu bó tay nhìn rối lụi tàn. Ông và các nghệ nhân xoay trở đủ kiểu, kể cả đưa rối lên mạng để tìm khán giả về với di sản làng mình.
Bình luận 0

Băn khoăn truyền thống đẹp

Ngoài sân, hàng trăm quân rối đủ màu sắc đang xếp trên giá dưới mái che. “Giời nắng gay gắt, phải bỏ rối ra khỏi các thùng tôn cho nó “hả”, không thì bong sơn, nứt gỗ hết”- ông Mẽ giải thích. Ông được thừa hưởng tài khéo của những người đi trước trong gia đình và trong truyền thống rối nước làng Rạch (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Nơi này vốn có nghề tạc tượng thờ nên người dân có thế mạnh về tạo hình rối.

img
Chuẩn bị trong một buổi diễn rối của đoàn rối nước dân gian Thành Nam . Ảnh: Dương Xuân

“Nhà tôi tính đến con trai tôi là đã 7 đời có nghề rối nước, nghề chẳng biết có ở làng Rạch này từ bao giờ. Ông nội tôi là Nghệ nhân Phan Văn Huyên, bố tôi là Nghệ nhân Phan Văn Ngải, những năm 1960 hai cụ từng lên dạy trò diễn và tạo hình rối giúp Nhà hát Múa rối Trung ương. Tôi làm nghề từ năm 14 tuổi…”, nghệ sĩ dân gian Phan Văn Mẽ vừa kể vừa giở trong cặp ra những tấm ảnh cũ, những bản photo bài báo về nghề rối của gia đình.

Phường rối nước làng Rạch có một số trò rối riêng độc đáo. Như trò “Tiên cưỡi cá dâng hoa”, đây là trò rối dây, 3 cô tiên cùng từ bên này đi sang đến tận gần mép bờ bên kia, cô ở giữa ngồi trên lưng cá tự dưng đứng dậy được, trên tay các cô có treo lẵng hoa để tặng khán giả. Hoặc trò “Dệt cửi trao con” thì quân rối hình người mẹ còn chuyển được đứa con đang bế trên tay cho quân rối khác… Mới đây ông Mẽ cũng được mời sang tham gia tạo hình rối nước giúp Nhà hát Chèo Ninh Bình trong một chương trình mở rộng thêm bộ môn nghệ thuật biểu diễn. Ông còn sáng tác, tạo hình trò mới như “Thạch Sanh chém đầu trăn tinh”, “Hát văn”, “Hát giao duyên” và “Cu Tý đánh hổ” – dựa theo truyện “Trí khôn ta đây”.

Như lời ông Mẽ kể thì nay ở phường còn có một số nghệ nhân hơn 80 tuổi. Phường cũng có một số diễn viên trẻ nhưng không đông. Đó cũng là nỗi lo chung của nhiều phường rối nước các tỉnh thành chứ chẳng riêng làng Rạch. Chỉ tay về phía thủy đình của làng, nơi từ tết đến giờ mới diễn mỗi một buổi, ông Mẽ cho biết, mình từng có 8 năm làm trưởng phường, nhưng cũng khó khăn lắm, không có tiền thì không làm được, khó giữ người, địa phương thì tiền đâu mà chi làm!

Phải biết lan tỏa thiết thực

Thế nên phải tìm cách làm riêng của mình vậy! Của mình, mình bỏ tiền ra lo toan, lãi hưởng, lỗ chịu nên phải biết tiếc xót, biết mở mang. Năm ngoái, ông Mẽ tách ra thành lập Đoàn rối nước dân gian Thành Nam.

Đoàn tư nhân, non trẻ thế mà đến thời điểm này, đã có tổng số gần 40 suất diễn phục vụ lễ hội, trường học tại nhiều xã trong tỉnh Nam Định, tại Bảo tàng tỉnh Nam Định và còn sang diễn ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Dịp hè và lễ hội mùa thu năm nay, đoàn sẽ tiếp tục nhận lời mời biểu diễn của các địa phương, trường học. Đi xa, đi gần, đoàn chỉ có 8 người, thuê xe vận chuyển phương tiện, đạo cụ, lắp ráp thủy đình và bể nước rồi trực tiếp biểu diễn rất thành thạo, nhanh gọn.

Phần hát chèo, hát văn và nhạc cụ đệm cho các trò rối, đoàn dùng đĩa phát, bởi nếu có nhóm ca hát đi biểu diễn cùng thì cũng phải 5 người nữa. Phải biết tính sao cho kinh tế. Ngay cả việc làm hợp đồng cũng thế. Đi xa phải nâng giá lên vì ở mất ngày, mất đêm, phải thuê chỗ ăn nghỉ. Mà bây giờ đời sống chung cao hơn rồi, người làm đầu tàu không thể để anh em ở vạ vật, ăn uống khổ sở. Đi xa là phải “thỏa thuê” một chút! Thù lao cũng phải 300.000 đồng/suất diễn. Tính tổng vào thì phải nâng giá diễn lên. Nếu như diễn ở gần, ăn cơm nhà, về ngủ nhà, làm trong ngày trong buổi thì ông trưởng đoàn lại hạ giá xuống.

Cùng với 4 trò mới là 16 trò mà ông trưởng đoàn đã học hỏi, lưu giữ từ những lớp người đi trước. Hiện ông Mẽ đã làm website roinuocthanhnam.com để giới thiệu kịch mục, quảng bá hình ảnh, hoạt động của đoàn. Ông tâm sự với chúng tôi, có thể tới đây đoàn sẽ sớm làm clip biểu diễn để làm thành đĩa tặng các nơi “chào hàng”. “Mình có nghệ thuật lâu đời, trong lúc nhiều loại hình giải trí đang cạnh tranh này, mình không thể chỉ diễn ở làng, diễn một chỗ nữa, mình phải biết đi tìm khán giả và nói về cái hay mà mình có”- ông Mẽ nung nấu.

   Ông Nguyễn Văn Thư – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định đánh giá cao những bước tìm đường đi mới của Đoàn rối nước dân gian Thành Nam: “Mô hình kiểu như đoàn rối Thành Nam cho thấy khả năng tự duy trì, phát triển của các nghệ nhân, nghệ sĩ nông thôn, nhưng rất cần sự đón chào và tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan nhà nước”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem