Rợn gáy với điểm đen giao thông

Thứ sáu, ngày 26/12/2014 08:41 AM (GMT+7)
Khuất tầm nhìn, thiếu biển báo cộng với ý thức tham gia giao thông kém đã khiến nhiều ngã ba, ngã tư thành nỗi ám ảnh của nhiều người
Bình luận 0

Mỗi năm, đoạn đường dài chưa đầy 1 km trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xảy ra cả chục vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người.

“Ngã ba đắp chiếu”

Trên đoạn đường này có 3 đường nhánh cắt Quốc lộ 1 tạo thành 3 ngã ba cách nhau khoảng 300 m, trong đó có 1 ngã giao nhau với đường ĐT 613. Ngã ba này nói riêng và đoạn đường nói chung được người dân địa phương đặt một cái tên nghe qua là ám ảnh: “Ngã ba đắp chiếu”. Cái tên đó xuất phát từ những chiếc chiếu đắp lên thi thể nạn nhân sau những vụ tai nạn giao thông.

Chỉ tính từ cuối tháng 10 đến nay, có 4 người đã mất mạng trên đoạn đường này. Gần đây nhất là vụ tai nạn khiến vợ chồng cụ Nguyễn Thái (75 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Tình (74 tuổi) tử vong vào sáng 3.12. Các con của cụ Thái kể rằng đêm hôm trước, ông bà cụ dự tính sáng hôm sau đi bệnh viện khám bệnh thì mọi người trong gia đình đề nghị đưa đi nhưng cụ Thái nhất quyết không chịu. Đêm đó, vợ chồng cụ Thái còn nhắc đến “ngã ba đắp chiếu” và nói sẽ cẩn thận khi đi qua đoạn đường này, vậy mà…

Trước đó, ngày 20.10, cũng tại địa điểm trên, chị Nguyễn Thị Kiều Linh và Trương Thị Hà (cùng 21 tuổi) bị xe container tông. Chị Linh tử vong tại chỗ, chị Hà bị thương nặng. Một tuần trước đó, ông Phan Sen đi ăn đám giỗ về qua đây cũng bị xe tải cán chết.


img

Hiện trường vụ tai nạn khiến vợ chồng cụ Nguyễn Thái tử vong hôm 3.12 Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Bà Phan Thị Hoa (59 tuổi) cho biết trong 5 năm bán nước giải khát trên đoạn đường này, bà chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm. “Cứ thấy xe đậu đông đông là tôi biết có người bị tai nạn. Mỗi lần chứng kiến tai nạn, tôi nôn mửa, ớn lạnh cả mấy ngày không ăn uống được chi cả” - bà Hoa kể.


img 
Ngã tư vòng xuyến TP Thanh Hóa - điểm đen tai nạn giao thông Ảnh: TUẤN MINH

Thượng tá Trần Văn Xuân, Phó trưởng Công an huyện Thăng Bình, cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, đoạn đường qua “ngã ba đắp chiếu” có đến 6 vụ tai nạn, cướp đi 7 mạng người. Đó là chưa kể các vụ tai nạn khiến người bị thương hoặc xe hư hỏng xảy ra như cơm bữa. “Cứ tai nạn là có người chết, tôi chạy xe máy qua đoạn đường này cũng thấy ám ảnh” - ông Xuân bày tỏ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đường này có mật độ phương tiện lưu thông khá đông đúc. Đứng quan sát hơn 1 giờ, chúng tôi không ít lần thót tim khi chứng kiến người dân cứ vô tư từ ngã ba ĐT613 băng cắt đầu ô tô để ra Quốc lộ 1. Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn phần nhiều do người lái xe chủ quan, ngoài ra còn các nguyên nhân khách quan như đoạn đường Quốc lộ 1 hơi hẹp lại bị che khuất bởi những hàng tre bên đường. Việc này người dân đã phản ánh với cơ quan chức năng nhưng chỉ sau khi vụ tai nạn khiến vợ chồng cụ Nguyễn Thái tử vong thì bụi tre mới bị đốn bỏ.

Ông Trương Khuê, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Nam, cho biết sắp tới sẽ lắp đặt các đèn cảnh báo, biển báo hiệu ở đường ĐT613 và trên Quốc lộ 1 cũng như đề xuất giải phóng cây cối 2 bên đường để hạn chế tai nạn giao thông ở đoạn đường này.

Hầu hết bị cuốn vào gầm

Không nằm trên tuyến Quốc lộ 1 nhưng ngay giữa lòng TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tồn tại điểm đen giao thông khiến người dân và cơ quan chức năng đau đầu. Đó là điểm giao nhau giữa đường Bà Triệu - Trường Thi - Trần Phú - Phan Châu Trinh.

Theo thống kê của Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa, từ năm 2014 đến nay, tại đây đã có 4 vụ tai nạn dẫn đến chết người. Gần đây nhất, vào khoảng 19 giờ 45 phút ngày 9.10, ông Nguyễn Minh Quyền (SN 1967; lúc đó là Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) bị một chiếc xe tải tông từ phía sau rồi cán qua dẫn đến tử vong.

Anh Phan Văn Thành (ngụ huyện Quảng Xương, hành nghề xe ôm tại khu vực) cho biết hầu hết các vụ tai nạn đều xảy ra ở góc cua từ đường Bà Triệu rẽ vào đường Phan Chu Trinh dù đường khá rộng và thoáng, thường do ô tô gây ra. “Cuối tháng 9.2012, tôi đang đứng trên vỉa hè thì thấy chiếc xe tải chạy hướng đường Bà Triệu rẽ vào đường Phan Chu Trinh, phía trước có một phụ nữ. Thấy chiếc xe cứ lao thẳng vào người phụ nữ, tôi và một số người cố la hét để lái xe chú ý nhưng đã quá muộn. Trong tích tắc, người phụ nữ đó đã bị chiếc xe đâm phải rồi cán qua người” - anh Thành nhớ lại.

Phân tích điểm đen này, thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa, cho biết hầu hết các vụ tai nạn dẫn tới chết người là do lái xe chuyển hướng bất ngờ, không quan sát. “Các xe tải là xe cao, tài xế ngồi bên trái trong khi chuyển hướng sang bên phải, nếu người đi đường ở xa có thể quan sát được, còn quá gần thì tài xế bị khuất tầm nhìn nên khi đánh lái thì hầu hết nạn nhân bị cuốn vào gầm” - thiếu tá Hải nói.

Cũng theo thiếu tá Hải thì tại đây cũng có cắm biển cảnh báo nhưng quá nhỏ và thấp nên nhiều khi tài xế không quan sát được.

“Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi cấp trên làm gờ giảm tốc và dựng biển báo lớn để cảnh báo nhằm xóa điểm đen này” - ông Hải nói.


 

Gần 9.000 người chết

Chiều 25-12, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết năm 2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ tai nạn giao thông khiến 8.996 người chết, bị thương 24.417 người. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 4.063 vụ, 373 người chết và 5.083 người bị thương. Riêng tháng 12-2014, toàn quốc xảy ra 2.065 vụ tai nạn, làm chết 724 người, bị thương 1.983 người.

T.Kha


 

(Theo Người Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem