Rớt giá thê thảm, 50kg chanh được... 1kg gạo

Thứ ba, ngày 27/09/2011 13:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với gần 4.000ha chuyên canh chanh, mỗi năm Long An có thể cung cấp cho thị trường khoảng 160.000 tấn trái. Hiện giá chanh đang rớt thê thảm nên nhà vườn bỏ mặc vườn chanh, không thu hoạch.
Bình luận 0

Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, nhà vườn trồng chanh ở Long An từng có lúc “đổi đời” vì trồng chanh lãi gấp 5 lần trồng lúa. Lúc cao điểm, giá chanh lên tới 30.000 đồng/kg, một hecta chanh có thể thu lãi cả tỷ đồng nên mọi người ùn ùn trồng.

img
Chị Út bên đống chanh trị giá chưa đến 1kg gạo.

50kg chanh được 1kg gạo

Nghe có nhà báo tới thăm vườn chanh, nhiều nông dân ở xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) lắc đầu ngao ngán: “Giờ này biểu lội vô ruộng chanh chắc hổng ai đi nổi đâu chú ơi. Giá chanh thấp thê thảm, công sức của mình bỗng dưng đổ sông đổ biển nhìn xót lắm. Tụi tui bỏ phế vườn chanh luôn rồi, khi nào giá nhích lên mới có sức làm nổi”.

Chị Út (ấp 3, xã Thạnh Hòa) khệ nệ khiêng 3 sọt chanh lớn đặt ra sân rồi cười buồn: “Chanh đẹp mới được 1.300 đồng/kg. Còn chanh “dạt” như vầy, 50kg bán được 10.000 đồng, mua hổng được ký gạo!”.

Ông Ngô Văn Tuấn (Tư Tuấn) ở ấp 3, xã Thạnh Hòa cho biết, cả nhà ông có 1ha trồng chanh đang chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên đang rất lo lắng bởi giá chanh tuột dốc không phanh. Ông Tuấn rầu rĩ: "Mấy năm trước, chanh có mất giá cùng lắm chỉ một - hai tháng rồi lên trở lại. Còn năm nay, chanh cứ tuột suốt từ đầu năm tới giờ và chưa nhích lên lần nào nên nhà nào trồng chanh cũng lỗ nặng.

Gia đình tôi vay gần 50 triệu đồng trồng chanh, hy vọng khi thu hoạch sẽ có tiền trả nợ ngân hàng nhưng với giá cả như thế này không biết lấy gì trả nợ.

Hàng xóm của ông Tuấn, ông Hai Phước cũng đang như ngồi trên đống lửa khi vay ngân hàng 45 triệu đồng đầu tư cho 1,7ha chanh. "Nợ ngân hàng sắp tới kỳ đáo hạn nhưng chanh thì rụng thối gốc mà không ai mua, chúng tôi không biết phải tính sao" - ông Phước nói.

Bài toán cung - cầu

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều năm trước đây nông dân xã Thạnh Hòa chủ yếu trồng mía, thu nhập tuy có thấp nhưng ít ai nợ ngân hàng bởi chi phí đầu tư thấp. Từ ngày chuyển qua cây chanh, khoảng 95% nông dân ở đây phải vay từ vài chục tới vài trăm triệu đồng để đầu tư cho vườn chanh.

Ông Phạm Văn Trài - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) nói như than: "Cả xã có 2.400ha đất nông nghiệp thì có đến 1.300ha trồng chanh, đang thời kỳ cho trái sung nhất. Hiện nay giá chanh rớt còn 1.300 đồng/kg tiền bán không đủ trả công hái nên nhiều chủ vườn đành bỏ cho chanh rụng thối cả đất. Đa số hộ trồng chanh đều vay vốn ngân hàng nên việc chanh rớt giá sẽ làm người dân ngập trong nợ nần".

"Tính từ lúc làm đất, trồng chanh non đến khi thu hoạch mất gần 3 năm, chi phí khoảng 100 triệu đồng/ha - chưa tính công nhà cũng như phần lãi do mảnh đất mang lại trong thời gian này nếu trồng cây khác. Với giá chanh như hiện nay, nông dân coi như đứt vốn, đứt công" - ông Phạm Văn Trài tính toán.

Không chỉ nông dân kêu mà thương lái thu mua chanh cũng rầu rĩ vì chanh rớt giá. Ông Út Lịch – thương lái ở huyện Đức Huệ nói: “Gia đình tôi vay tiền ngân hàng mua chiếc xe tải chở chanh bán qua Campuchia. Mới chạy được nửa năm thì chanh rớt giá, chiếc xe phải chạy cầm chừng. Cả chục nhân công ở cơ sở tôi giờ nghỉ đi làm công nhân hết rồi”.

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết, thời điểm Long An có khoảng 2.000ha chanh, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không nên trồng thêm. Tuy nhiên do thời điểm này cây mía lãi ít nên dân ồ ạt phá mía trồng chanh, tăng diện tích lên gấp đôi nên cung – cầu mất cân đối dẫn đến tình trạng như hiện nay. “Trong 4.000ha chanh ở Long An có một nửa là chanh già cỗi. Chúng tôi khuyến cáo bà con sau khi đốn đi diện tích này thì không trồng lại, cung - cầu sẽ cân đối” – ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem