Chẳng ai nói được gì, họ nhìn nhau lầm lũi khóc trong mưa rả rích. Cơn mưa càng nặng hạt. Buổi sáng bên góc cánh cửa vào nhà xác u ám khiến cho nỗi đau vừa mất đi một người bạn nghề thê lương đến tận cùng. Họ thút thít gọi “Hiệp ơi, Hiệp ơi...” - tên người phụ nữ bán vé số vừa mất sau vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng cùng ngày.
|
Những người bán vé số đồng hương đứng lặng bên nhà xác Bệnh viện Đà Nẵng sáng 9.10 |
Chị Hồng, cùng đi bán vé số với chị Phan Thị Hiệp, có mặt ở bệnh viện nói: “Nhà Hiệp ở quê nghèo lắm bác sĩ ạ”.
Chị Hiệp (44 tuổi, quê ở làng Trường Thọ, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng bán vé số đã ba năm rồi. Hai vợ chồng chị có bốn đứa con. Ở quê đất ít lại khô cằn nên làm không đủ ăn. Khi mấy đứa con đến tuổi đi học, đặc biệt là lúc cô con gái đầu vào đại học, gia cảnh càng túng bấn hơn. Không nỡ nhìn đời con dở dang việc học, chị xách gói theo mấy chị em cùng cảnh ra Đà Nẵng tìm việc mong kiếm tiền gửi về. Nghề nghiệp không, vốn liếng chẳng có, họ cầm xấp vé số rảo bước khắp phố phường tiếp tục cuộc mưu sinh.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra với chị Phan Thị Hiệp lúc 8h sáng 9.10. Nhiều người có mặt tại hiện trường kể vào thời điểm trên, lúc chị Hiệp đang băng qua đường Ngô Quyền (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thì bị xe máy do Nguyễn Văn Hoàng (20 tuổi, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) điều khiển tông vào.
Do cú va chạm quá mạnh nên chị Hiệp ngã đập đầu xuống đường. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng chị đã tử vong ngay sau đó tại bệnh viện. Anh Hoàng cũng bị thương khá nặng đang được điều trị tại bệnh viện.
Thế rồi họ cũng gặp may, nhóm phụ nữ nghèo khó ấy gặp được người tốt bụng. Vợ chồng ông Đặng Văn Tấn (đại lý vé số) thương tình cho vào tá túc mà không lấy tiền trọ. Có mặt tại bệnh viện ngay sau khi nghe tin chị Hiệp bị tai nạn, ông Tấn buồn bã: “Cả chục chị em đây nghèo khó lắm. Ai cũng lam lũ nắng mưa quên cả bản thân mình để lo cho con. Vậy mà...”.
Đứng bên nhà xác, chị Phan Thị Liên (chị ruột của chị Hiệp) khóc ngất, không tin vào những gì vừa mới xảy ra. “Sáng nay mấy chị em ngủ dậy gặp trời mưa. Ai cũng tranh thủ đi cho sớm vì ngày mưa bán ế lắm.
Ngày nắng chị em còn mua ổ bánh mì lót dạ, chứ ngày mưa chả ai dám ăn vì sợ vé ế không đủ tiền... Em ơi, sao em ra đi mà bụng dạ đói thế này hả em.”
Rồi chị Liên nói trong tiếng khóc: “Cả mấy tháng nay Hiệp không về quê. Cách đây ba bữa, hai chị em dồn được ít tiền, Hiệp bảo đưa cho em mượn về quê mua chiếc xe đạp cho mấy đứa nhỏ, chứ nhìn cảnh chúng nó đi bộ lếch thếch đến trường mà xót quá”. Thương con, chị Hiệp khăn gói về quê, sắm cho hai đứa nhỏ hai chiếc xe đạp rồi quay ra lại Đà Nẵng thì xảy ra chuyện đau lòng.
Theo lời chị Liên, tất cả tiền thầy, tiền trọ... của mấy đứa con trong nhà (kể cả đứa con gái đầu đang học Đại học Phạm Văn Đồng) đều một tay chị Hiệp lo liệu. Còn chồng chị, anh Trương Quang Trung, quần quật cày thuê cuốc mướn vậy mà vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
Sáng sớm, từ Quảng Ngãi nghe tin vợ mất, anh Trung không tin vào tai mình, vội vàng đón xe ra Đà Nẵng. Khi đến nhà xác thấy người vợ hiền nằm bất động trên chiếc băng ca lạnh lẽo anh mới biết mình mãi mãi không bao giờ gặp vợ nữa. Chiều, anh Trung cùng mấy người phụ nữ bán vé số trong xóm theo xe đưa chị Hiệp về quê giữa trời mưa ướt lạnh đến não nề.
Theo Tuổi trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.