Rotavirus vào mùa: cách điều trị tại nhà cho bé

Infonet Thứ năm, ngày 15/01/2015 07:46 AM (GMT+7)
Mùa đông xuân là thời điểm bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus vào mùa, nhiều sai lầm của cha mẹ khiến bệnh nặng lên trong khi bệnh có thể điều trị tại nhà.
Bình luận 0
Bù nước cho trẻ

Cháu Bùi Long H. trú tại Kim Liên, Hà Nội nhập viện trong tình trạng mất nước, nôn trớ, tiêu chảy không cầm được. Bố mẹ cháu bé cho biết cháu bị tiêu chảy nhiều ngày. Bố mẹ nhầm với tiêu chảy bình thường nên mua kháng sinh và men tiêu hóa về cho con uống nhưng bệnh không đỡ. Hay trường hợp của cháu Hoàng Văn N. trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị các triệu chứng tương tự. Mẹ cháu bé để con ở nhà tự chữa nhưng 3 ngày sau bệnh nặng lên. Bé L. bỏ bú, kiệt sức, khóc không ra nước mắt.

img

Bệnh nhi điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh TT&VH

Thạc sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Bệnh viện Nhi Trung uơng cho biết Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, nhập viện thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có tỷ lệ nhập viện cao gấp ba lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavirus. 

Nhiễm Rotavirus gây tử vong 453.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới mỗi năm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các nước đang phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng.

Khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bác sĩ Hà cho biết việc điều trị tại nhà cần đảm bảo đúng nguyên tắc do bác sĩ tư vấn. Hiện nay, các dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch ORS (oresol), ORS II, viên hoặc gói hydrite. 

Pha dung dịch bù nước đúng là điều quan trọng giúp trẻ mau hồi phục và giảm thiểu tình trạng mất nước và sụt cân. Chính vì vậy khi điều trị cho trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus cần bù nước cho trẻ. Mỗi gói ORS lớn cần pha với 1 lít nước đun sôi để nguội (không nên pha nửa gói ORS với nửa lít nước), mỗi gói ORS II hoặc mỗi viên/gói hydrite pha với 200ml nước đun sôi để nguội. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 24 giờ không uống hết phải bỏ đi.

Trường hợp không có dung dịch oresol có thể nấu nước cháo muối: một nắm gạo, một nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch (tương đương 1,2 lít nước), đun nhừ đến khi lọc còn được 5 bát nước cháo (tương đương 1 lít) cho trẻ uống dần.

Chỉ điều trị tại nhà nếu trẻ không có biểu hiện mất nước, nghĩa là trẻ tỉnh táo, khóc có nước mắt, không trũng, uống nước (bú) bình thường, lưỡi ướt. Cho trẻ uống nước và điện giải nhiều hơn bình thường, có thể dùng các dung dịch pha chế tại nhà như: oresol, nước cháo muối, nước quả tươi, súp, nước canh.

Lượng dung dịch bù nước cho trẻ cần đủ. Hiện này việc bù nước được tính như sau:- trẻ dưới 2 tuổi: uống 50 – 100 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài. Trẻ 2 - 10 tuổi: uống 100 – 200 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài. Trẻ > 10 tuổi: uống oresol đến hết khát sau mỗi lần đi ngoài

Nếu trẻ không thích mùi vị dung dịch bù nước này, hãy thay bằng dung dịch bù nước khác, khi số lần tiêu chảy không nhiều (2-3 lần mỗi ngày) có thể bù nước bằng nước uống hàng ngày hoặc nước trái cây. Một số trẻ khi tiêu chảy kèm theo nôn nhiều, nên việc bù nước cần thực hiện hết sức từ từ, cần cho trẻ uống từng ít một. Trẻ dưới 2 tuổi cho uống ít một bằng thìa. Với trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm nhỏ. 

Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau rồi tiếp tục cho uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2-3 phút. Trẻ được bù đủ nước sẽ đi tiểu nhiều, linh động, da và môi tươi tắn. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi bé đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.

Để trẻ không bị sụt cân, cần duy trì chế độ ăn thích hợp, không cho trẻ dùng các loại thực phẩm có lượng đường nhiều, lượng đạm và các chất điện giải thấp, các thực phẩm ít chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa như: măng, rau cần, ngô và đỗ nguyên hạt. Tránh sử dụng các dung dịch nước quả công nghiệp, nước có ga gây khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy tăng và rối loạn các chất điện giải trong cơ thể.

Dùng lá ổi chỉ là khỏi bệnh giả tạo

Tại Bệnh viện Nhi trung ương không ít trẻ bị tiêu chảy đã khỏi nhưng vẫn rơi vào nguy hiểm vì mất điện giải. 

Trường hợp của bé Nguyễn Thiện Th. trú tại Hoài Đức, Hà Nội là vì dụ. Theo mẹ của bé Th. khi cháu bị tiêu chảy, gia đình cho cháu nhai lá ổi và ăn quả hồng xiêm xanh. Chỉ một ngày sau các triệu chứng tiêu chảy đã bị cầm lại. Gia đình tưởng cháu bé đã khỏi bệnh nên yên tâm không cho con đi khám và sử dụng thuốc trị tiêu chảy cấp. Càng ngày, cháu bé càng biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc, nôn và sụt cân. 

Thạc sĩ Hà cho biết việc dùng thuốc chống nôn, cầm đi ngoài khi trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần như cho trẻ ăn lá ổi, hồng xiêm xanh... trẻ ngừng đi ngoài ngay nhưng đó chỉ là khỏi bệnh giả tạo và gây ra hậu quả là các tác nhân gây bệnh ở lại trong đường tiêu hóa lâu hơn khiến cho bệnh lâu khỏi, thậm chí nặng lên.

Đặc biệt, nhiều bà mẹ tự dùng kháng sinh điều trị cho trẻ khi trẻ bị tiêu chảy dẫn đến hậu quả là làm rối loạn thêm vi khuẩn chí (vi khuẩn có ích) trong đường tiêu hóa của trẻ, vừa không chữa được bệnh lại dễ dẫn đến ngộ độc thuốc và kéo dài ngày bệnh và giảm khả năng hấp thu của trẻ. Chỉ sử dụng kháng sinh cần theo chỉ định của nhân viên y tế, áp dụng trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, amip (phân có nhầy máu).

Các sai lầm khác khi điều trị trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus như kiêng không cho trẻ ăn trứng, đồ tanh chỉ cho con ăn cháo trắng khiến tình trạng thiếu chất dinh dưỡng trẻ bị kiệt sức. Hay có nhiều bà mẹ thấy con tiêu chảy lại không cho con uống nước vì sợ tiêu chảy nhiều. Như thế là quan điểm sai lầm làm cho tình hình bệnh nguy hiểm hơn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem