Thấy lợi, nông dân phấn khởi tham gia
Trước khi thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn (THT), Hội ND xã Bình Tân nhận thấy bà con sản xuất rau màu còn nhỏ lẻ, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng. Việc thành lập THT nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất rau sạch, kết nối, tạo cơ hội cho hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật.
THT rau an toàn ấp Hòa Thạnh được thành lập theo sự hướng dẫn chuyên môn của Phòng Nông nghiệp huyện vào tháng 8/2016. Ban đầu, THT chỉ với 28 thành viên, sau 3 năm hoạt động, THT đã đi vào ổn định với gần 100 thành viên. Anh Trần Quang Nghị đã vận động các hộ trồng rau xung quanh tích cực tham gia vào THT cùng học hỏi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường. Hiện quy mô sản xuất rau của THT đã lên đến gần 10ha.
Mô hình trồng rau của THT trồng rau an toàn xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). (ảnh: Kim Lan)
Anh Nghị cho biết: Anh tự nguyện tham gia và sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật của cán bộ ngành nông nghiệp, chọn giống có xuất xứ rõ ràng, khâu làm đất kỹ lưỡng, đồng đều giúp rau nảy mầm tốt. Anh chú trọng lựa chọn phân bón và chỉ sử dụng các loại phân vi sinh để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nếu cần thiết mới sử dụng phân hữu cơ theo quy trình xử lý an toàn. Nguồn nước tưới được sử dụng trong hệ thống ngọt hóa Gò Công đảm bảo cho rau phát triển an toàn, ít bị ô nhiễm. Anh còn ghi chép lưu trữ hồ sơ, đây là vấn đề quan trọng, giúp cho việc truy nguyên nguồn gốc và tính toán chi phí sản xuất.
Mô hình THT trồng rau an toàn xã Bình Tân đã góp phần nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi cho cán bộ, hội viên, nông dân nói riêng, người dân nói chung trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm… |
Hầu hết các thành viên của THT rau an toàn đều ý thức được tầm quan trọng cũng như mục đích yêu cầu của việc trồng rau an toàn, chủ yếu là các loại rau ăn lá, củ cải…
Trong năm 2019, thu nhập từ tiền bán rau của anh Nghị được hơn 150 triệu đồng. Anh vinh dự được công nhận là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu cấp huyện năm 2019. Mô hình rau an toàn của anh được huyện chọn làm điểm trình diễn cho các địa phương học tập kinh nghiệm sản xuất.
Thu nhập tăng rõ rệt
THT trồng rau an toàn xã Bình Tân là nơi để các thành viên có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau. Hàng quý, tổ thường nhóm họp để thông báo tình hình sản xuất rau trong thời gian qua, hướng trồng rau trong thời gian tới, rồi cùng bàn bạc, thảo luận tìm các loại giống rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ.
Rau trồng trong nhà lưới ở xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đảm bảo an toàn. Ảnh: Ban Dung.
Hội ND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện giới thiệu về những kiến thức khoa học kỹ thuật hay mô hình trồng rau mới để các thành viên trong tổ nắm bắt và vận dụng vào thực tế. Từ khi tham gia vào THT, đa số các thành viên đều nhận thấy hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại. Trước tiên là giảm được chi phí sản xuất do giảm lượng phân và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Trước kia, trung bình 1.000m2 cải tốn 1,4 triệu đồng tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng khi sản xuất theo hướng an toàn thì chỉ mất khoảng 800.000 đồng.
Từ khi biết áp dụng trồng rau an toàn đã hạn chế hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường, rau bán ra thị trường nhanh hơn, giá cả cao hơn, cung cấp thực phẩm sạch đảm bảo an toàn cho gia đình và người tiêu dùng”.
Anh Trần Quang Nghị |
Nhờ hỗ trợ của Hội ND huyện Gò Công Tây nên hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn mang lại ngày càng nâng cao như gia đình anh Nghị và nhiều thành viên khác có thị trường đầu ra đảm bảo, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng.
Các thành viên tham gia THT trồng rau an toàn đã được hỗ trợ cho vay vốn, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật nên đã áp dụng đúng kỹ thuật được tập huấn vào quy trình chăm sóc cây rau như tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn cây phát triển. Thành viên THT đã biết phát hiện bệnh của cây trồng, biết bảo vệ thực vật an toàn, không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, chất lượng, hiệu quả rau sạch được nâng lên.
Những ngày này, THT trồng rau an toàn ấp Hòa Thạnh xã Bình Tân đang hối hả, tăng cường sản xuất rau an toàn phục vụ nhu cầu người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường từ đây đến Tết Nguyên đán khoảng hơn 5 tấn rau xanh, bao gồm các loại rau: Mồng tơi, rau ngót, cải cúc, cải ngọt, tầng ô, xà lách, hành, ngò, cần tây…
Thu hoạch rau trong nhà lưới. Ảnh: Ban Dung.
Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn rau an toàn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, trước nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng tăng cao, ngoài việc liên kết chặt chẽ để giữ vững uy tín, thương hiệu, ổn định giá thành sản phẩm, THT trồng rau an toàn cần kết nối nhiều hơn với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, đầu mối chợ,… nhằm cung ứng rau an toàn ổn định trên địa bàn trong ngoài huyện.
Trong thời gian tới, các thành viên THT tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các công trình xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn. Hội ND huyện Gò Công Tây tiếp tục hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau an toàn đến người tiêu dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.