Rủ nhau xin thoát... hộ nghèo

Hồng Đức Thứ bảy, ngày 20/06/2015 09:05 AM (GMT+7)
Trong khi một số nơi còn xảy ra tình trạng “chạy hộ nghèo” để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thì nhiều hộ đồng bào dân tộc Mường ở xã  Quang Trung, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo. 
Bình luận 0

Không muốn làm “gánh nặng” cho làng

Ông Phạm Văn Dũng - Trưởng thôn Quang Thọ dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Đinh Thị Ngoan (57 tuổi), hộ đã tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo hồi tháng 12.2014 vừa qua. Theo lời tâm sự của bà Ngoan, thì lý do bà xin rút khỏi hộ nghèo chỉ là “không muốn làm gánh nặng cho làng”. Hiện nay, con gái của bà Ngoan đã đi lấy chồng, nên bà ở một mình. Từ khi xin rút khỏi hộ nghèo, mình bà chăm chỉ chăn nuôi gà, lợn và làm 1,8 sào lúa. Bà Ngoan tâm sự: “Trước kia, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Dù biết rằng gia đình mình thuộc diện hộ nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ nhiều thứ. Thế nhưng, khi tôi thấy có gia đình trong làng còn khó khăn hơn mình, nên tôi tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để khỏi trở thành gánh nặng cho làng, cho xã và nhường tiêu chuẩn nghèo cho những người còn khó khăn hơn mình thôi”.

img
Gia đình chị Bùi Thị Lan ở thôn Quang Thọ, xã Quang Trung (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) nhờ chăn nuôi sản xuất đã tự nguyện xin thoát nghèo.  Ảnh:   Hồng Đức

Cùng nằm trong danh sách tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã, chị Bùi Thị Lan (38 tuổi) cùng thôn Quang Thọ, vui vẻ cho biết: Từ năm 2011 đến 2014, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Nhờ chính sách hộ nghèo, nên gia đình tôi được vay vốn (30 triệu đồng), từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2 con nghé. Hiện nay, gia đình tôi đã có 2 con trâu cộng với chăn nuôi hơn 60 con gà, 4 con lợn thịt, 1 con lợn nái, cho thu nhập đã khá hơn trước rồi. Vì thế, vợ chồng tôi thống nhất phải nhường sự ưu đãi của Nhà nước cho những người còn khó khăn hơn mình.

“Trước đây, nhiều năm liền, gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi chăn nuôi, sản xuất, nên tôi nuôi thêm lợn, gà… Giờ đây, mỗi năm gia đình tôi trừ đi chi phí cũng dư ra được khoảng từ 30- 40 triệu đồng. Không còn vất vả, khó khăn như trước, nên tôi bàn với vợ quyết định xin rút ra khỏi diện hộ nghèo” - ông Phạm Văn Phúc ở thôn Quang Bái cho hay.

40 hộ dân xin thoát nghèo

Quan điểm

Ông Phạm Văn Nam
 Việc một số hộ dân xin thoát nghèo được bà con truyền tụng cho nhau, như nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng phấn đấu vươn lên. Do đó, vấn đề bình xét hộ nghèo ở địa phương chúng tôi hiện nay cũng đơn giản hơn rất nhiều so với trước kia. 
Theo danh sách của UBND xã Quang Trung, trong đợt bình xét hộ nghèo hồi tháng 12.2014, toàn xã có 40 hộ tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm trước, việc bình xét hộ nghèo ở địa phương chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ai cũng muốn xin được nghèo để được vay vốn làm ăn, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhưng đến nay, việc bình xét hộ nghèo của xã không còn căng thẳng như trước mà lại thắm tình đoàn kết. Bà con cũng thấy rõ được sự quan tâm của Nhà nước, nên đã cố gắng phấn đấu, tự chủ trong cuộc sống và sản xuất. Ai cũng ý thức được rằng, nếu cứ ỷ lại, trồng chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thì không thể phát triển bền vững được.

 

Theo thống kê của UBND xã Quang Trung, hiện nay xã vẫn đang còn 12,1% hộ nghèo. So với năm ngoái, thì xã này đã giảm được 5,11% số hộ nghèo (với 115 hộ, trong số đó có hơn 40 hộ tự nguyện xin rút khỏi diện hộ nghèo). Vì vậy, chính quyền địa phương đang tiếp tục tập trung tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo, các chính sách về an sinh xã hội. Đồng thời, lồng ghép một cách hiệu quả công tác cho vay vốn với tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ nghèo, để hướng tới việc giảm nghèo nhanh và bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem