Tục lệ thiêng
Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. PGS- TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho biết: “Người Dao quan niệm, người con trai phải trải qua lễ cấp sắc từ 3 đèn trở lên mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương - tổ tiên của người Dao, mới trở thành người lớn. Do vậy, bất cứ người đàn ông Dao nào cũng phải làm lễ cấp sắc. Còn riêng lễ cấp sắc 12 đèn thì không bắt buộc vì muốn lên bậc này, người đàn ông phải học rất nhiều và có một chức thầy cúng nhất định”.
Phụ nữ người Dao đi chợ mua họa tiết về may trang phục. Ảnh: M.D
Chứng kiến lễ cấp sắc của người Dao, bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa của dân tộc này với rất nhiều nghi thức được thực hiện nghiêm ngặt, thiêng liêng. Đầu tiên là lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay, bước học làm thầy và điệu múa rùa. Các nghi thức trên được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn… trong bộ trang phục rực rỡ của những cặp vợ chồng người Dao. Trong mỗi lễ cấp sắc thường có 6 thầy cúng, trong đó có 3 thầy chính và 3 thầy phụ.
Thầy cúng Bàn Văn Đoàn ở xã Mỏ Vàng (Văn Chấn) cho biết: “Sau khi làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp cho. Đây là thời khắc linh thiêng và quan trọng. Nhận bằng xong, các trò đốt đi 1 bản, còn 1 bản đem cất kỹ, đến khi nào về cõi âm mới được đem đốt để thánh trời nhận ra và thu nạp họ”.
Gìn giữ nghề tổ
Sau nghi lễ cấp sắc, cả làng cả bản bắt đầu mở tiệc ăn mừng để vui chung với những người đã chính thức trở thành con cháu của Bàn Vương.
|
Trong các nghi thức cúng tế của người Dao, một vật dụng không thể thiếu đó là những tờ giấy dó để trên đó, các thầy cúng viết chữ, vẽ tranh treo trong nhà hay ghi các câu bùa chú, ghi tên của người đàn ông được tham dự lễ cấp sắc kính cáo với tổ tiên. Người Dao không mua giấy dó tùy tiện mà thường tự tay làm để bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng với tổ tiên. Bao giờ cũng thế, vào dịp cuối năm, các gia đình người Dao ở xã Nậm Lành lại chuẩn bị nguyên liệu làm giấy dó. Công việc này tuy vất vả, tỉ mỉ, không có thu nhập nhưng với ý thức giữ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, họ vẫn duy trì đều đặn để mỗi tuần sản xuất một mẻ giấy khoảng 600 tờ.
Giấy được làm hoàn toàn thủ công từ nguyên liệu là thân cây vầu và rơm nếp mùa mới thu hoạch, vì vậy tờ giấy vừa dai, nhẹ, xốp lại có mùi thơm thoang thoảng rất độc đáo mà không loại giấy nào có được.
Lên với đồng bào người Dao vào dịp cuối năm, bạn sẽ được mời vào một mâm cơm chế biến rất công phu, xôi ngũ sắc, gà xào gừng, nghệ, thịt lợn hầm đu đủ, khoai sọ, canh rau dớn, rau bò khai xào, cá suối nướng… Nâng một chén rượu với người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình để đáp tạ lòng mến khách, bạn sẽ được coi như một thành viên trong bữa ăn của gia đình. Về vị trí ngồi, hàng phía trên là nơi ngồi của đàn ông, còn hàng phía dưới hoặc tiếp giáp bếp là chỗ ngồi của phụ nữ và trẻ con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.