Rủi ro từ các doanh nghiệp nhà nước

Thứ sáu, ngày 07/09/2012 08:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bên cạnh hiệu quả đầu tư thấp, doanh nghiệp nhà nước còn thể hiện khả năng yếu kém trong quá trình tạo việc làm cho nền kinh tế.
Bình luận 0

Đánh giá về các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các tập đoàn kinh tế, Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 do Uỷ ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội thực hiện nêu rõ: Được định hướng giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, các DNNN đã nhận được nhiều sự ưu đãi của Chính phủ ở mọi góc độ từ tiếp cận tín dụng, đất đai, tiếp cận thị trường, bảo hộ độc quyền…

img
Tập đoàn Vinashin - một “quả đấm thép” nhưng không tạo được hiệu quả

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp này đã có những đóng góp nhất định trong quá trình công nghiệp hóa và tạo việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là trong những năm đầu của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng về quy mô lẫn sự tham gia tràn lan trong mọi ngành nghề gần đây của các DNNN, kết hợp với việc thiếu một cơ chế giám sát chặt chẽ và minh bạch đã khiến cho công tác quản lý các DNNN bị buông lỏng, hiệu quả kinh tế của các doanh nhiệp này sa sút trầm trọng gây rủi ro lớn cho nền kinh tế.

Bên cạnh hiệu quả đầu tư thấp, thể hiện qua chỉ số ICOR cao, DNNN còn thể hiện khả năng yếu kém trong quá trình tạo việc làm cho nền kinh tế. Cụ thể, mặc dù chiếm xấp xỉ 40% tổng đầu tư cả nước nhưng khu vực nhà nước chỉ tạo ra khoảng 10% việc làm cho toàn xã hội.

Đặc biệt, trong số các DNNN thì các tập đoàn kinh tế nhà nước đã nhận được sự hậu thuẫn lớn của Chính phủ với kỳ vọng đưa chúng trở thành những mũi nhọn của nền kinh tế. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhiều tập đoàn lại nhanh chóng phát triển thành mạng lưới chằng chịt hàng trăm các tổng công ty, công ty con, và công ty liên doanh và liên kết.

Các tập đoàn này thực hiện đầu tư dàn trải vào các ngành nghề kinh doanh không phải thế mạnh của mình, bao gồm từ đầu tư tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khai thác khoáng sản, xây dựng, thương mại, khu nghỉ dưỡng… Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Sông Đà (SDH)… là những ví dụ điển hình...

“Muốn tái cơ cấu thành công nền kinh tế, không thể không thay đổi tư duy về kinh tế nhà nước, về DNNN”- báo cáo nêu rõ. Thay đổi theo hướng nào?

Báo cáo nêu rõ: một: Khu vực kinh tế nhà nước chỉ nên tập trung khắc phục những khuyết tật chủ yếu của kinh tế thị trường nhằm điều tiết hiệu quả nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường; hai: Tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ công; ba: Đẩy nhanh sự thoái lui của Nhà nước trong vai trò chủ đầu tư và chủ sở hữu doanh nghiệp, cũng như giảm dần tiến tới xóa bỏ bao cấp, lợi thế về quyền và cơ hội kinh doanh dành riêng cho các DNNN...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem