Rừng mất đất, dân mất nhà

Thứ ba, ngày 25/09/2012 06:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thủy điện Sông Tranh 2 đang để lại những hệ lụy rất lớn cho người dân và chính quyền địa phương. Động đất chỉ là một phần nhỏ của những hệ lụy này.
Bình luận 0

Biến dân thành lâm tặc

Để nhường đất xây dựng công trình Thuỷ điện Sông Tranh 2, từ năm 2007, tỉnh Quảng Nam thực hiện giải toả, tái định cư (TĐC) cho hơn 1.196 hộ dân (đa số là đồng bào dân tộc thiểu số), với 6.329 nhân khẩu, thuộc 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Đã có 134ha đất ở và 2.466ha đất nông nghiệp của hơn 1.000 hộ dân tại xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Tân bị thu hồi.

img
Móng nhà bà Hồ Thị Hiếu (39 tuổi, xã Trà Đốc), bị sụn lún, sợ sập, bà kê những cục đá vào chắn đỡ.

Hơn 6.000 con người phải ra đi, đến nơi không có đất sản xuất để ở và phải ở trong những ngôi nhà xa lạ với đồng bào về vật liệu xây dựng, kiến trúc xây dựng và đặc biệt là rất không an toàn. Đang chưa hết lo lắng về nhà cửa, đất đai, nước uống..., thì một mối lo khác ập đến choán hết tâm trí đồng bào - động đất. Từ khi Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đến nay đã xảy ra hơn 50 vụ động đất. Nỗi lo tiếp nối nỗi lo. Nhiều đồng bào không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ khu TĐC vào rừng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn (50 tuổi, trú thôn 3a, xã Trà Đốc) khi quay về làng cũ bùi ngùi nói: "Tôi không ước ao gì to lớn mà chỉ làm sao có lại được 5 sào ruộng cũ của mình". Tất nhiên ông không thể thỏa mãn ước ao này vì 5 sào ruộng kia đã chìm sâu dưới lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2.

"Hồi cái thủy điện ni chưa tích nước, mỗi vụ gia đình tui thu về hơn 1 tạ lúa khô, 500kg bắp... Nhờ rứa, chẳng bao giờ sợ thiếu gạo đổ nồi mỗi khi đến kỳ giáp hạt. Nhưng bây giờ, mất đất là coi như chiếc cần câu cơm của gia đình bị gãy rồi. Nhà đông miệng ăn, bầy con thơ lại đang tuổi cắp sách đến trường nên số tiền mà mấy năm trước, Ban quản lý Dự án Thuỷ điện 3 (đại diện chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2) đền bù thiệt hại và hỗ trợ đã cạn. Chúng tôi không biết tiếp tục cuộc sống ra sao".

Tại khu TĐC ở xã Trà Bui, nhiều đồng bào không chịu cảnh ăn không ngồi rồi, "túng quá hóa liều", họ phá rừng làm nương rẫy. Ông Hồ Văn Xuất (75 tuổi) nói: Chúng tôi không ai muốn làm lâm tặc, chúng tôi biết phá rừng, đốt rừng là sai, nhưng không làm vậy không có đất để sản xuất.

Bao giờ hết bế tắc?

Bà Hồ Thị Hiếu (39 tuổi, khu TĐC xã Trà Đốc) than phiền: Trước đây thủy điện nói lên đây sẽ có mọi thứ. Nhưng lên rồi mới biết không phải vậy. Nước không có mà uống, đất đai không có sản xuất. Người dân ở đây đều làm nông, làm rẫy. Suốt ngày chỉ trông chờ vào nước mưa. Những tháng không mưa muốn có nước phải đi mua...".

img
Ngoài việc thiếu nước sinh hoạt, đất sản xuất ra, nhiều nhà ở khu TĐC cũng bị xuống cấp trầm trọng, hư hỏng.

Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, cho biết: Đã có 24 hộ dân ở các khu TĐC thủy điện bỏ nhà TĐC quay về làng cũ dựng nhà sàn, làm ăn sinh sống. Xã không thể ngăn cản, thuyết phục được họ, vì động đất liên miên. Đã vậy, đất sản xuất lại không có cho đồng bào. Họ có ở lại cũng chẳng biết lấy gì để sống".

“Đã có 24 hộ dân ở các khu TĐC thủy điện bỏ nhà TĐC quay về làng cũ dựng nhà sàn, làm ăn sinh sống. Xã không thể ngăn cản, thuyết phục được họ, vì động đất liên miên”.

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bắc Trà My cho biết: Năm 2006 - thời điểm bắt đầu thực hiện Dự án Thủy điện Sông Tranh 2, mỗi mét vuông đất sản xuất bị thu hồi, người dân chỉ được nhận 4.000 đồng bồi thường thiệt hại. Sau này, năm 2010, mức đền bù được điều chỉnh tăng lên 16.000 đồng/m2, trong đó chưa kể một khoản kinh phí hỗ trợ riêng.

Ở đây không bàn đến chuyện đền bù ít hay nhiều, vấn đề là ở chỗ người dân bị mất đất sản xuất khiến cuộc sống của họ đang gặp phải không ít khó khăn. Thời gian gần đây, lãnh đạo địa phương có chính sách hỗ trợ cho nông dân 7-15 triệu đồng/ha để đầu tư khai hoang lúa nước, nhưng thực tế cho thấy tiến độ đang diễn ra hết sức chậm chạp vì ở những vùng này địa hình đa phần là đồi núi bị chia cắt".

Còn ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết, UBND tỉnh đã có chủ trương chuyển hơn 800ha rừng trong lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh 2 quản lý thành đất sản xuất để bà con có đất canh tác. Huyện cũng đã đề nghị Ban quản lý Dự án Thủy điện 3 kéo dài thời gian cung cấp lương thực cho 2.357 nhân khẩu tại các khu TĐC Thủy điện Sông Tranh 2 thêm 24 tháng nữa để cho cuộc sống người dân được ổn định hơn.

Đã nhiều năm rồi, những kế hoạch, giải pháp giải quyết những khó khăn của đồng bào vùng Thủy điện Sông Tranh 2 liên tục được đưa ra, nhưng cuộc sống của đồng bào thì vẫn chưa hết bế tắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem