Sông Tranh 2: Liên tiếp 6 trận động đất trong 2 ngày

Thứ hai, ngày 24/09/2012 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 23.9, ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, suốt đêm 22 và rạng sáng 23.9, tại địa phương này liên tục xảy ra 6 trận động đất
Bình luận 0

Lúc 3 giờ 14 phút, xảy ra một trận động đất kéo dài trong khoảng 5 giây có cường độ rất mạnh. “Tôi nghe tiếng nổ trong lòng đất ầm ầm, tựa như tiếng sấm sét” - ông Phong nói.

Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc ở cách đập Thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 10km, cũng cho biết: Vào lúc 3 giờ 14 sáng 23.9, động đất rất mạnh làm nhiều vật dụng trên tường rơi xuống sàn nhà. Sau đó, chúng tôi còn cảm nhận thêm 2 trận động đất nhẹ kéo dài trong khoảng 3 giây vào lúc 3 giờ 30 và 4 giờ 40.

img
Nhà dân bị nứt do động đất ngày 23.9.

Trạm địa chấn đo động đất ở Huế đã thông báo là trận động đất lớn nhất xảy ra lúc 10 giờ 57 lên đến 4,8 độ richter - lớn nhất từ trước đến nay. Ông Trần Văn Hải - Trưởng ban quản lý Dự án Thủy điện 3 (đơn vị trực tiếp quản lý Thủy điện Sông Tranh 2) cũng cho biết, các máy gia tốc đo động đất lắp đặt ở đập thủy điện ghi nhận trận động đất trưa 23.9 lên đến 4,8 độ richter. Đập thủy điện vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến chiều qua, Viện Vật lý Địa cầu xác nhận trận động đất mạnh xảy ra vào lúc 10 giờ 57 chỉ là 4,1 độ richter.

* Trong các ngày từ 22 đến 24.9, Hội Chữ thập đỏ huyện Bắc Trà My phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới mở 3 lớp tập huấn về cách phòng ngừa, ứng phó khi xảy ra động đất cho cán bộ chủ chốt, quân dân chính xã, cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp của tất cả các trường học đóng trên địa bàn 6 xã bị ảnh hưởng động đất nặng nhất của huyện Bắc Trà My (gồm Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Sơn và thị trấn Trà My). Huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã gửi 7 cán bộ xã và giáo viên của 2 xã bị ảnh hưởng của động đất (do sát gần Thủy điện Sông Tranh 2) là Tiên Ngọc và Tiên Lãnh đến dự các lớp tập huấn tại huyện Bắc Trà My để về truyền đạt cho nhân dân sở tại ứng phó với động đất.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu: Tiếp tục theo dõi đập trong mùa mưa lũ

Ngày 22.9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về kiểm tra an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2 hôm 21.9. Theo đó, cùng với yêu cầu chưa tích nước hồ chứa công trình, Phó Thủ tướng giao Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo, chuyên gia có trách nhiệm của các Bộ Công Thương, KHCN, NNPTNT, Xây dựng, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi tại hiện trường trong mùa mưa lũ này để xem xét, đánh giá tình trạng: Thấm, an toàn đập, hồ chứa, động đất... liên quan đến an toàn và ổn định của công trình làm cơ sở quyết định việc cho tích nước.

Viện KHCN Việt Nam phải khẩn trương lập đề cương, dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai lắp đặt 5 trạm địa chấn tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2. Trước mắt, Viện Vật lý địa cầu điều động 2 máy đo gia tốc và 5 trạm đo địa chấn từ những khu vực khác để lắp đặt, đưa vào hoạt động trong tháng 10.2012, kịp thời đánh giá trong mùa lũ. Viện này cũng phải cử các chuyên gia theo dõi thường xuyên tình hình động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, phục vụ việc đánh giá an toàn đập.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương thẩm định, phê duyệt phương án phòng chống lụt, bão, bảo đảm an toàn đối với đập và vùng hạ du Thủy điện Sông Tranh 2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, giám sát toàn bộ tuyến đập để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể gây mất an toàn cho công trình và khu vực hạ du.

Từ khi có thủy điện mới có động đất

Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam: Người dân ở huyện Bắc Trà My cho rằng có thuỷ điện mới có động đất, có động đất nhà dân mới bị hư hỏng. Vậy nhưng thời gian qua chưa có một giải thích khoa học nào để làm yên lòng người dân. Chủ đầu tư cũng chưa quan tâm, giúp đỡ đúng mức đối với người dân bị thiệt hại bởi động đất.

Ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Động đất liên tục trong thời gian qua tại khu vực lòng hồ Thuỷ điện Sông Tranh 2 chứng tỏ nơi đây có vấn đề. Nếu hội đồng nghiệm thu nhà nước vẫn khẳng định đập đã an toàn rồi thì cần cho người dân biết mức độ an toàn đó là bao nhiêu năm để chính quyền, người dân có sự chuẩn bị. Ngoài ra, tôi còn băn khoăn rằng tại sao khi chưa có thuỷ điện thì không có động đất, bây giờ có thuỷ điện thì có động đất. Các nhà khoa học nói là do động đất kích thích và sẽ giảm dần nhưng tại sao bây giờ lại xảy ra ngày một nhiều và mạnh lên?

Ông Nguyễn Thế Tài - Bí thư Huyện uỷ Bắc Trà My: Nơi nào có thuỷ điện là nơi ấy mất đất, mất môi trường, nhưng cái mất lớn nhất là người dân mất niềm tin. Từ khi công trình Thuỷ điện Sông Tranh 2 hoàn thành đến nay, chủ đầu tư chưa có phối hợp nào với địa phương để giải quyết vấn đề hậu tái định cư một cách dứt khoát. Người dân định cư không có đất sản xuất, nên thiếu đói trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My: Chính quyền và người dân địa phương đang đứng trước nỗi lo kép về động đất và cái "túi nước" khổng lồ treo lơ lửng trên đầu. Các nhà khoa học không thể lấy ví dụ các công trình thuỷ điện khác mà áp đặt vào Thuỷ điện Sông Tranh 2 được. Vì lý do, nguyên nhân nào đi nữa thì thủ phạm chính của động đất vẫn là Thuỷ điện Sông Tranh 2. Chúng tôi đang nợ người dân câu trả lời về độ an toàn của công trình thuỷ điện này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem