Rừng phòng hộ "tứa máu": Kẽ hở lớn từ cán bộ giữ rừng

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 06/08/2018 19:20 PM (GMT+7)
“Đây là vụ phá rừng có tổ chức, có người dân địa phương hướng dẫn, chèo kéo các đối tượng từ bên ngoài vào khai thác. Thời gian phá rừng rất lâu nhưng việc phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng chưa đúng đã để lâm tặc chạy thoát”, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu gay gắt tại cuộc họp bàn cách xử lý vụ phá rừng phòng hộ ở xã Vĩnh Sơn vào ngày 6.8.
Bình luận 0

Sợ trả thù, dân không dám “chỉ mặt” lâm tặc

Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, ngày 22 và 23.7, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn đã phát hiện 15 cây gỗ dổi (nhóm III) bị cưa hạ trái phép tại tiểu khu 142 và 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn.

Mở rộng kiểm tra hiện trường, tổ công tác phát hiện thêm 8 cây dổi bị cưa hạ trái phép, dấu vết đã cũ, gỗ đã bị cưa xẻ và vận chuyển khỏi hiện trường. Dọc theo đường mòn kéo gỗ về phía Đông khoảng 2km, có lán trại không người ở, bên trong có 4 cái võng, quần áo, điện thoại di động, vở học sinh và sổ hộ khẩu, cạnh lán trại có một số tấm gỗ xẻ.

img

Hiện trường vụ phá rừng ở xã Vĩnh Sơn.

Theo kết quả giám định của Trung tâm quy hoạch Nông nghiệp - Nông thôn tỉnh Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT), tổng số cây bị chặt hạ là 23 với khối lượng gỗ gần 107m3, chủng loại gỗ dổi (nhóm III), chủ quản lý là Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh.

Ông Lê Văn Đẩu – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: “Khi chúng tôi phát hiện tại hiện trường thì lâm tặc rất liều lĩnh, cố chạy thoát thân nên anh em bắt không kịp. Vì vậy, chỉ phát hiện lán trại cùng sổ hộ khẩu có nguồn gốc ở tỉnh Quảng Bình, điện thoại di động và nhiều vật dụng khác. Theo xác minh, 4 người có tên trong sổ hộ khẩu đã vắng mặt tại Quảng Bình và sau khi vụ phá rừng xảy ra, ngày 27.7,  một người quay về địa phương, riêng 3 người còn lại vào ngày 1.8 mới xuất hiện”.

Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, có khả năng các đối tượng trực tiếp phá rừng chỉ là người làm thuê, có người đứng đằng sau tổ chức.

“Khu vực này, người dân biết rất rõ các đối tượng phá rừng nhưng khi chúng tôi làm việc thì họ không dám tố cáo vì sợ bị lâm tặc trả thù. Vụ việc đã được kiểm lâm khởi tổ vụ án và chuyển đến cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ”, ông Đẩu nói.

img

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định chủ trì cuộc họp bàn cách xử lý vụ phá rừng xảy ra tại xã Vĩnh Sơn.

Ông Trần Phước Phi - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, đơn vị quản lý rừng thừa nhận đã chủ quan, thiếu sót vì khu vực rừng ở tận đỉnh núi, đường đi khá phức tạp nên không nghĩ lâm tặc lên để phá rừng?

“Khu rừng bị phá nằm trên đỉnh núi, đồi dốc quá cao, trong khi đó chúng tôi phải dành quân kiểm tra các điểm nóng, vùng rừng giáp ranh, lực lượng rất mỏng nên có thiếu sót. Với diện tích quản lý 35.000ha rừng theo quy định thì chủ rừng có 50 người nhưng chúng tôi chỉ có 15 người trong biên chế, quả thật rất khó khăn. Trước đây, phá rừng chỉ diễn ra ban ngày nhưng giờ lâm tặc rất tinh vi, hoạt động cả ban đêm nên không có lực lượng thì không thể khống chế nổi”, ông Phi nêu lý do.

img

Lâm tặc dọn đường để chuẩn bị đưa gỗ ra ngoài.

Tuần tra “nóng vội, thiếu kinh nghiệm”

Đại tá Nguyễn An Ninh - Phó Giám đốc công an tỉnh Bình Định cho rằng, qua kiểm tra tại hiện trường, vụ việc được cơ quan chức năng địa phương phát hiện khi lâm tặc đang vận chuyển gỗ nên nếu tuần tra “thông minh, bình tĩnh” thì đã có thể bắt được các đối tượng phá rừng.

“Tuy nhiên, anh em quá nóng vội, thiếu kinh nghiệm nên tại hiện trường chỉ thu được vật chứng. Theo nhận định của chúng tôi, vụ phá rừng này không phải do người dân địa phương thực hiện, mà phá rừng có tổ chức vì mục đích kinh doanh, đưa gỗ đi nơi khác tiêu thụ. Công an đề nghị phía kiểm lâm, chủ rừng địa phương khoanh vùng nhóm đối tượng thường xuyên phá rừng. Thực tế, đã từng xuất hiện nhiều trường hợp, kẻ chủ mưu vào tận rừng chỉ tận cây đặt hàng rồi thuê người phá rừng lấy gỗ, sau đó sẽ trả tiền”, ông Ninh thông tin.

img

Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định truy trách nhiệm cán bộ để mất rừng.

Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định đây là vụ phá rừng có tổ chức, có người dân địa phương hướng dẫn, chèo kéo các đối tượng từ bên ngoài vào khai thác. Thời gian phá rừng rất lâu nhưng việc phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng chưa đúng đã để lâm tặc chạy thoát.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định phê bình và cho rằng, việc để lâm tặc chạy thoát khỏi hiện trường có lỗi của kiểm lâm, công an, Ban quản rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh… trong quá trình "phối hợp tác nghiệp”.

“Khi nhận được tin báo từ người dân, nếu cơ quan chức năng liên lạc lực lượng phối hợp để mật phục thì sẽ bắt được ngay đối tượng phá rừng, chứ tại sao không bắt được. Lâm tặc ở xa đến phá rừng rồi chạy mất, còn người bảo vệ rừng am hiểu địa hình thì không biết họ chạy đâu. Vấn đề này, cần đặt ra dấu hỏi cho khả năng bảo vệ rừng, anh em chưa quyết liệt giữ rừng”, ông Châu truy vấn.

img

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho rằng, vụ phá rừng ở Vĩnh Sơn là có tổ chức, có sự tiếp tay của người dân.

Để lâm tặc lộng hành “xẻ thịt” rừng phòng hộ, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều rất bức xúc và yêu cầu nhanh chóng truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ông Châu chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm Ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng có liên quan. Đặc biệt, kiểm điểm lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh - người được giao nhiệm vụ phụ trách chính lĩnh vực giữ rừng và lực lượng kiểm lâm địa bàn.

“Công an phải vào cuộc quyết liệt, điều tra trúng người và xử lý nghiêm, không nương tay. Đây là vụ phá rừng với quy mô gỗ lớn, là bài học sâu sắc trong việc quản lý rừng nên cần phải có giải pháp nhờ sự hỗ trợ từ phía cộng đồng dân cư mới mong bảo vệ rừng được an toàn”, ông Châu đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem