Rưng rưng ngày trở lại

Thứ tư, ngày 01/09/2010 11:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cả tuần nay họ không thể nào chợp mắt. Tháng ngày trả giá cho những lỗi lầm của mình đã cạn, cuộc đời mới, ước mơ mới đã bừng lên trước mặt...
Bình luận 0
img
Bà Đinh Thị Tèo, phạm nhân cao tuổi nhất trại giam Hoàng Tiến.

Trò chơi số phận

Không biết có phải nghĩ tôi làm báo phục vụ nông dân hay bởi sự trùng hợp tình cờ mà cán bộ Trại giam Quảng Ninh (Bộ Công an) đã sắp xếp để tôi được gặp một phạm nhân đặc biệt ở trại này.

Phạm nhân ấy là ông Lê Minh Thành, sinh năm 1956, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ông Thành có tên trong danh sách hơn 250 phạm nhân được đặc xá, tha tù của trại nhân dịp 2-9 năm nay.

Gặp tôi, ông Thành kể, mấy ngày nay ông gây gây ốm. Có lẽ, ngày trở về đã cận, cảm xúc mãnh liệt dâng trào khiến ông thấy mình khó ở. Ông bị bắt tháng 6 - 2007, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, án 9 năm tù.

“Mai tôi ra tù rồi, thành người tự do rồi nhưng cán bộ cứ chụp ảnh tôi, trong bộ quần áo tù này mà đưa lên báo. Tôi muốn thế bởi tôi muốn hình ảnh mình mặc áo tù được lưu giữ mãi mãi. Bức ảnh ấy là tấm gương để tôi soi mình và răn mình đấy cán bộ ạ!”. Phan Văn Đảm - một tù nhân trại giam Quảng Ninh.

Biết tôi làm báo NTNN, mắt ông bừng rực. Ông xoắn xuýt như gặp lại tri âm. Ông bảo, ông thích báo NTNN lắm! Ngày trước, sát cánh cùng nông dân, tờ báo đã là kim chỉ nam, là bí quyết để nông dân xã ông vượt khó làm giàu.

“Ngày nào chưa được đọc báo, tôi thấy chân tay buồn bực, đầu óc liêng biêng, chẳng làm được việc gì nên hồn cả!” - ông thật lòng tâm sự.

Chịu án tù đằng đẵng, ông nghiệm ra rằng, mỗi người đều có một số phận, không cưỡng được. Ngẫm từ mình mà ra, trước đây, khi công tác, có lẽ chẳng bao giờ ông ngờ tới có ngày mình phải khoác lên mình bộ quần áo kẻ sọc của nhà tù.

Tuổi đôi mươi, ông bồng súng đi đánh quân giặc bành trướng ở Pò Hèn, Thán Phún (Móng Cái, Quảng Ninh). Đơn vị ông đã có mấy chục người nằm lại ở mảnh đất biên giới này. Tạm biệt quân ngũ, năm 1981, ông trở về quê.

Ngày ấy, như bao anh bộ đội Cụ Hồ khác, ông hừng hực khí thế làm kinh tế, vừa để giúp gia đình thoát khỏi cơn túng bấn, vừa giúp quê hương thêm đẹp, thêm giàu. Kinh qua nhiều “chức vụ”, sau cùng, năm 2003, bởi năm nào cũng là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm thủ quỹ của xã biển này. Như ông nói, công việc đang “bon” thì tai ương ập đến, “trăm cái đen nó đổ vào đầu”.

Ngày ấy, huyện Vân Đồn có chủ trương làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Hạ Long là xã tập trung nhiều dân khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới nên nhu cầu làm “sổ đỏ” là vô cùng cấp thiết.

Theo quy định, ai làm sổ thì phải nộp tiền, tuỳ theo diện tích và thời gian sử dụng đất. Số tiền trên đương nhiên phải nộp lên huyện. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì có người đưa ra “sáng kiến”: Các thôn trong xã chưa có hội trường, nên tranh thủ cơ hội này mà giữ lại chút tiền để kiến thiết. “Sáng kiến” đó khiến lãnh đạo xã bùi tai.

Vậy là làm ẩu! Khi việc làm “cứ tưởng là làm cho dân thì không bị làm sao” này bị bại lộ, ban lãnh đạo xã, cả thảy 11 người, trong đó có ông với vai trò là một thủ quỹ bị công an bắt giữ. Bởi đây là vụ án điểm nên các cơ quan tố tụng làm rất thẳng tay. Với cương vị là thủ quỹ, ông bị tuyên án 9 năm tù.

Hôm toà tuyên án, hãi hùng, vợ ông ngất lịm.

Cú vấp cuối đời

Tại trại giam Hoàng Tiến, phạm nhân Đinh Thị Tèo là người cao tuổi nhất: Bà đã 79 tuổi. Bà Tèo ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân (Hải Phòng). Nơi bà ở có đường sắt chạy qua, từ lâu đã là một điểm nóng về tệ nạn xã hội của thành phố Cảng. Tôi từng theo Đội điều tra tội phạm về ma tuý, Công an quận Lê Chân nhiều lần thực tế khu đường tàu này.

Chuyện tấn công tội phạm ma tuý ở đây cũng là chuyện có một không hai. Để cung cấp ma tuý cho con nghiện, các đối tượng sống nhờ thần chết ấy đã sử dụng cả trẻ con, người già như một ki- ốt bán lẻ đắc dụng. Bà Tèo cũng là một trong những “chân rết” ấy. Năm 2005, trong một đợt cao điểm tấn công ma tuý ở khu đường tàu, “nữ quái” Đinh Thị Tèo bị bắt. Với chứng cớ phạm tội không thể chối cãi, bà bị tuyên 8 năm tù giam.

Thấy người lạ là tôi tìm gặp, bà run cầm cập. Có lẽ bà nghĩ có điều gì không ổn với quyết định đặc xá của mình. Khi nghe cán bộ quản giáo giải thích kỹ càng bà mới bình tĩnh trở lại. Bà rành rọt kể về quá khứ lỗi lầm của mình. Bà bảo, đời bà có nhiều cái dại, nhưng không cái dại nào lại khiến bà khốn khổ như “cái dại lúc cuối đời”. Vợ chồng bà trước đây đều là công nhân bến cảng Hải Phòng.

img
Phạm nhân trại giam Quảng Ninh trở về sau buổi lao động.

Đẻ con một bầy nên chưa đủ tuổi hưu, bà xin nghỉ để chăm sóc con cái. Chắt chiu tần tảo, nuôi các con khôn lớn rồi gom góp lo cho chúng yên bề gia thất. Khi “sứ mệnh cuộc đời” đã xong, ngoảnh lại, bà thấy buồn vì “ta chẳng còn ai”. “Các con nó còn gia đình nó anh ạ, lo cho mình sao được!” - mặt rầu rầu, bà tâm sự.

Không có chỗ tựa nương, bà mưu sinh bằng thúng bánh mỳ bán dạo trong thành phố mỗi sáng. Thế rồi tuổi cao, tay chân run rẩy, không đi được nữa bị bọn dặt dẹo xui khiến, bà chuyển nghề sang… buôn ma tuý. Khi ấy, bà nghĩ, mình tuổi cao, công an cũng chẳng bắt làm gì, mà nếu có bắt cũng chỉ làm qua loa chứ ai nỡ bỏ tù.

Bà Tèo kể, bị toà tuyên mức án 8 năm tù, bà thấy tai mình ù đặc. Bà không ngờ tội lỗi mình gây ra phải trả cái giá quá đắt như vậy. Sau phiên toà, khi công an xốc nách dìu ra chiếc xe tù, bà đã cố ngoái cổ lại để nhìn các con, các cháu của mình. Khi ấy, bà nghĩ, với mức án dằng dặc trên, bà không còn cơ hội để thấy con cháu mình nữa.

Tuổi cao, khi vào trại, bà chỉ ăn rồi loanh quanh trong khu giam giữ. Không phải làm gì nhưng bà thấy buồn, thấy chán. Nhớ các con, các cháu cồn cào. Ở tù đã gần 6 năm, có những lúc bà đã nghĩ mình không thể quay về bởi “cái ốm” nó vật, nó hành. Hãi nhất là cách đây hơn tháng.

Đang ngồi bà bỗng thấy mắt mũi tối sầm, đầu óc điên đảo. Chỉ ú ớ kêu vài câu rồi bà ngã vật ra. Khi tỉnh lại bà thấy mình nằm trên trạm y tế của trại. Vừa mở mắt, bà đã mừng quýnh: “Tôi còn sống à cán bộ!? Có thật là tôi còn sống không!?”.

Mong mỏi đợi chờ, cuối cùng niềm vui của bà cũng đến. Bà bảo, từ hôm biết tin mình được đặc xá, bà vui như đứa trẻ được quà. Ra trại, có cho bà tiền tỷ thì bà cũng không dám dính vào ma tuý nữa.

Tìm lại những gì đã mất

Quay lại chuyện ông Thành, được đặc xá, ra tù, tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn muốn tìm lại những gì mà mình đã mất. Thứ nhất là tìm lại tình cảm, niềm tin của gia đình, bạn bè, chòm xóm láng giềng. Thứ hai là tập trung vào làm kinh tế gia đình. Mấy năm ông đi tù, mình vợ ông ở nhà, vườn tược bỏ hoang hết cả.

Tuy ở tù, nhưng ông vẫn có nhiều dự án cho khu vườn ấy. Khi về, ông sẽ cải tạo đất để trồng các loại rau, củ cao cấp. Vân Đồn quê ông đang là điểm đến của khách du lịch thập phương, nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm, trồng rau, củ cao cấp chắc chắn sẽ thu bộn tiền. Ông Thành đặt chỉ tiêu, chỉ một hai năm nữa, ông lại có tên trong danh sách những nông dân làm kinh tế giỏi được tuyên dương ở tỉnh.

Bà Đinh Thị Tèo thì không có nhiều dự định. “Tuổi tôi thế này, chắc trời thương thì cho sống được vài ba năm nữa. Ra tù, tôi chỉ mong được ở gần các con, các cháu, các chắt. Sống ở trên đời, cái gì cũng là phù du, chỉ tình cảm gia đình là thiết thực nhất thôi anh ạ! Không có gia đình, con người dễ sa ngã lắm!” - móm mém, bà Tèo bộc bạch.

Lo lắng, hồi hộp nhưng cũng nhiều dự định, quyết tâm là tâm trạng chung của các phạm nhân được đặc xá mà tôi đã gặp trong chuyến công tác này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem