80 % rượu trên thị trường chưa được kiểm soát, các ca ngộ độc được xác định nguyên nhân là do cồn công nghiệp (Ản BSCC)
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Aroma - đơn vị sản xuất rượu Vodka Men cho biết: 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không đủ tiêu chuẩn để dán tem thuế nên để đưa ra thị trường nhiều cơ sở tự in tem dán lên sản phẩm.
“Việc không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của rượu khiến cho Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn và nguy hiểm hơn, rượu không được kiểm soát về mặt chất lượng, dẫn tới hàng triệu ca ngộ độc cấp tính và mãn nghiêm trọng chưa thể thống kê hết được”, đại diện Vodka Men cho biết.
Báo cáo của VBA cho thấy, trong 5 năm qua, ngành có tốc độ phát triển trên 7%. Trong năm 2015 ước tính sản lượng bia đạt 3,4 tỷ lít, tăng 40,72% so với năm 2010 (2,416 tỷ lít).
Trong năm 2015, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp đạt 70 triệu lít và sản lượng nước giải khát đạt 4,8 tỷ lít. Toàn ngành nộp ngân sách 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tổng thiệt hại tài chính của bia, rượu trái phép ước tính trong năm 2015 là khoảng 441 triệu USD.
Rượu rẻ hơn cả nước lọc là những rượu không được kiểm soát, thậm chí có cả rượu nấu không cần bếp, chỉ cần pha cồn công nghiệp, gây hậu quả không lường (Ảnh bệnh nhân ngộ độc rượu BSCC)
TS. Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, khảo sát nhiều địa phương, rượu chỉ bán với giá 10.000- 12.000 đồng/lít, thực sự rẻ hơn nước lọc. Nếu không phải pha chế thì không thể có mức giá trên.
“Một cân gạo đã 12.000, nấu lên còn than, củi lửa, công xá đủ thứ mà giá 12.000 đồng thì 100% không phải là rượu nấu gạo. Cồn làm nhiên liệu có 10 nghìn là 100 độ, thì mới có thể bán giá 12 nghìn/lít”, ông Cường nói. Theo ông Cường, để giải quyết tình trạng tùy kiện trong sản xuất, kinh doanh rượu, tránh gây ra hệ lụy khôn lường như vừa rồi thì vai trò chính quyền địa phương là quan trọng.Hộ kinh doanh rượu không có giấy phép thì phải dừng hoạt động.
Còn bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên đến từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tiếp nhận 34 bệnh nhân đến cấp cứu vì ngộ độc rượu. Trong đó, có 9 bệnh nhân đã tử vong, 15 trường hợp bị tổn thương não, 15 trường hợp bị giảm thị lực/mù khi ra viện và đáng thương nhất là một trường hợp ngưởi Bỉ bị mất thị lực hoàn toàn. Thống kê cũng cho thấy, 32/34 trường hợp ngộ độc này xảy ra ngay tại các quận nội thành Hà Nội.
“Điều này cho thấy việc lạm dụng methanol một cách cố ý trong pha chế rượu. Lượng khá lớn các loại cồn methanol tuồn ra ngoài dùng sai mục đích cần được giải quyết…Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là rượu methanol, đâu là rượu thông thường, do vậy trách nhiệm cơ quan chức năng cần được thể hiện trong việc quản lý từ các khâu sản xuất, kinh doanh chứ không thể bắt người tiêu dùng thông thái”, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Ông Trương Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cũng cho rằng, từ xưa ông cha ta vẫn uống rượu thủ công nhưng không ngộ độc mà tình trạng này xuất hiện trong vài tháng nay.
“Nguyên nhân ngộ độc xuất phát từ gốc ở đâu? Ngộ độc methanol do cồn công nghiệp, vậy quản lý cồn công nghiệp thế nào? Nó ở đâu ra? Ai chịu trách nhiệm? Đó là vấn đề phải làm”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, Nguyễn Văn Việt cho biết, nguyên nhân đã được xác định là do các nạn nhân uống các loại rượu tự pha chế, chứa độc tố Methanol vượt quá ngưỡng cho phép, có trường hợp vượt ngưỡng đến hàng nghìn lần, dẫn tới tử vong. Dó đó, vấn đề mấu chốt đã được nhiều ý kiến nêu ra tại buổi tọa đàm chính là phải kiểm soát được “đường đi” của cồn công nghiệp và cồn y tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.