“Sabeco là thâu tóm doanh nghiệp, nên 5 tỷ USD chưa là gì cả”

Trần Giang Thứ tư, ngày 27/12/2017 18:30 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài gòn (SSI) cho rằng thương vụ Sabeco vừa qua là câu chuyện thâu tóm doanh nghiệp, không thể là mua bán cổ phiếu nên đừng lấy thị giá để quy định đây là bán đắt hay rẻ.
Bình luận 0

“Với tôi, một doanh nghiệp sở hữu 50% thị trường bia Việt Nam của một quốc gia 100 triệu dân, đứng thứ 3 thế giới về uống bia như Sabeco thì số tiền chi ra gần 5 tỷ USD chưa phải là gì cả. Nếu tôi có tiền tôi cũng sẽ mua và thậm chí mua cao hơn”, ông Hưng phân tích.

Tại buổi lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2017 do các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán bình chọn, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), chia sẻ bản thân ông có một câu hỏi và đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng, mà cụ thể là câu chuyện bán cổ phiếu VNM.

“Năm 2016 khi chúng tôi công bố giá bán cổ phiếu VNM thì giá cổ phiếu trên này giảm, nhưng năm 2017 sau khi công bố thì giá trên sàn lại tăng. Hiện tượng này ảnh hưởng tới thành công của giao dịch. Hay như trường hợp của cổ phiếu SAB cũng vậy, năm ngoái công bố giá xong thì giá trên thị trường giảm, năm nay thì lại tăng. Trong bối cảnh đó ai cũng run.

Tất nhiên, chúng tôi cũng có giải pháp phòng ngừa rồi, nhưng với tư cách là người tham gia thị trường, tôi mong muốn không có những biến động lớn như vậy”, ông Chi chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Hưng bày tỏ quan điểm: “Nếu tôi nhìn thấy một người có biểu hiện ra mặt không khoẻ, thay vì bảo họ bôi phấn, tôi sẽ khuyên họ tâp thể dục. Thị trường chứng khoán (TTCK) là biểu hiện sức khoẻ của nền kinh tế. Nền kinh tế tốt thì nhà đầu tư tin tưởng bỏ tiền vào.

img

Ông Nguyễn Duy Hưng SSI cho rằng Sabeco là thương vụ thâu tóm doanh nghiệp (Ảnh: IT)

Hồi đầu năm tôi dự báo VN-index sẽ lên 800 điểm, nhiều người không tin, và đến hôm nay điểm còn cao hơn dự báo của tôi nhiều”

Ông Hưng phân tích thêm năm 2017 tốt vì Chính phủ tuyên bố không huy động nguồn lực sau đó phân bổ nguồn lực mà để các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực. Khi làm được điều ấy thì tất cả các thành phần kinh tế cảm giác được cạnh tranh trong kinh doanh, khi sự cạnh tranh tương đối lành mạnh thì sẽ dẫn đến sự hiệu quả, nhiều doanh nghiệp hiệu quả thì nền kinh tế tốt.

“Chính sách của Chính phủ tuyên bố hiện giờ cũng giống như chính sách bàn tay vô hình của HongKong năm 1960 – 1965, tức là Chính phủ để cho các thành phần kinh tế chủ động tương tác, chủ động làm và Chính phủ không can thiệp nhiều vào hoạt động đó”, ông Hưng phân tích.

Ông Hưng phân tích thêm về việc giá cổ phiếu đắt hay rẻ, nếu chỉ so sánh theo chỉ số PE mà đúng thì hoặc là tất cả mọi người đều thành công, hoặc thất bại. Nhưng câu chuyện của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Có cùng xuất phát điểm nhưng có nhà đầu tư thành công vì họ tin tưởng.

“Giá cổ phiếu VNM và SAB cũng vậy. Năm 2016 giá VNM và SAB xuống là bởi khi ấy nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm, nhà đầu tư trong nước thấy với một lượng “oversupply” (cung vượt cầu) như thế thì mọi người tranh thủ bán trước, sau đó có thể mua lại. Còn năm 2017 giá cổ phiếu VAM, SAB tăng nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài thấy hấp dẫn, họ sẽ đầu tư vào, khi phong trào đầu tư vào thì sẽ kéo thị trường lên. Đó là thị trường và không ai có thể làm chủ được điều đó”, ông Hưng phân tích.

Bình luận về thương vụ công ty Vietnam Beverage của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi bỏ ra tới gần 5 tỷ USD mua hơn 53% cổ phần Sabeco, ông Hưng cho rằng đây không được gọi là mua bán cổ phiếu mà chỉ là thông qua mua bán cổ phiếu để thâu tóm doanh nghiệp.

“Tôi đã từng mua Bibica với giá từ 20.000 đồng/cổ phiếu đến 120.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nếu tôi chỉ kinh doanh cổ phiếu Bibica thì tôi không bao giờ dám mua đến giá 60.000 đồng/cổ phiếu. Còn khi tôi đã mua đến 120.000 đồng/cổ phiếu có nghĩa là tôi muốn thâu tóm doanh nghiệp này”, ông Hưng dẫn giải thêm.

Chủ tịch SSI khẳng định câu chuyện bán Sabeco là câu chuyện bán doanh nghiệp, không thể là mua bán cổ phiếu nên đừng lấy thị giá để quy định đây là bán đắt hay rẻ.

“Với tôi, một doanh nghiệp sở hữu 50% thị trường bia Việt Nam của một quốc gia 100 triệu dân, đứng thứ 3 thế giới về uống bia thì con số 5 tỷ USD chưa phải là gì cả, nếu tôi có tiền tôi cũng mua, thậm chí mua cao hơn”, ông Hưng nhìn nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem