Sách giáo khoa lớp 1: Cảm xúc rất quan trọng từ những bài học đầu đời

Phạm Anh Xuân Thứ tư, ngày 14/10/2020 14:55 PM (GMT+7)
Chắc hẳn ai cũng đã từng háo hức ngày vào "Lớp Một ơi lớp Một". Đó không chỉ là sự hồi hộp và chộn rộn khi chuẩn bị nào cặp, nào sách, nào phấn, nào vở, nào bút, nào mực… mà đó còn là cảm xúc như thấy rõ mình đang lớn bổng lên.
Bình luận 0

Từ lâu và trong nhiều ngày qua, không biết bao nhiêu lượt người tìm, xem, đăng tải và hồi ức về Sách giáo khoa lớp Một "thời xưa". Cảm xúc chung của tôi và của rất đông những người thế hệ 1970 - 1980 về bộ sách này đó là cảm xúc đẹp. Nhiều đoạn văn, hình ảnh, câu thơ thấm đẫm mà mỗi khi lật giở và bắt gặp đều khiến người ta bồi hồi.

Nói như vậy để thấy, Sách giáo khoa lớp Một "thời xưa" đã làm được điều rất quan trọng và ý nghĩa đó là: Xây dựng và vun đắp được cảm xúc trong lớp lớp thế hệ học trò ngay từ những bài học đầu đời. Cảm xúc ấy đã thực sự trở thành "Hành trang tâm hồn".

Trở lại với Bộ Sách giáo khoa Cánh Diều đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội thì có thể thấy: Kẻ khen thì ít - người chê thì nhiều. Thậm chí sự phê phán có thể nói đã lên đến đỉnh điểm - bao gồm cả việc đòi phải hủy bộ sách.

Cảm xúc rất quan trọng từ những bài học đầu đời - Ảnh 1.

Đã có rất nhiều phân tích để chỉ ra những hạn chế, thậm chí là sai sót của bộ sách này. Nhưng tôi cho rằng: Hạn chế lớn nhất - thậm chí còn có thể là thất bại của bộ sách này là đã không mang lại cảm xúc tích cực và đẹp đẽ như Bộ Sách giáo khoa lớp Một "thời xưa" đã từng đạt được.

Đầu tiên, đó là về ngôn ngữ và hình ảnh trong ngôn ngữ. Thật khó chấp nhận khi viết cho trẻ lớp Một mà ngôn ngữ lại vừa khó hiểu, vừa thiếu trong sáng như: "Chị… cho ve tí gì nhé" (Ve và gà 2); "Chạy mất dép" (Ngỗng)… hoặc sự ngô nghê không đầu không cuối trong "Ví dụ", "Chuột út 1"…

Tiếp đó là sự can thiệp thô bạo bằng việc "sửa" những câu chuyện đã quen thuộc. Sở dĩ tôi dùng từ "thô bạo" là bởi việc sửa này đã không làm cho câu chuyện hay hơn, hình ảnh gần gũi hơn, ngôn ngữ trong sáng và dễ hiểu hơn; trái lại ngôn ngữ và hình ảnh trong đó còn bị xa vời, nội dung khiên cưỡng; thậm chí còn bị cho là "xuyên tạc" như chuyện của "Ve và kiến" của La Fontaine, hay "Hai con ngựa" của Lev Tolstoy…

Hai yếu tố trên dường như bị lặp đi lặp lại và mang tính hệ thống, để rồi dồn tụ quá nhiều bất lợi, tiêu cực về nội dung tổng thể. Đó là: Có tới gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ (đe dọa, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ) - như trong bài "Xin những nhà biên soạn sách giáo khoa đặt mình vào con trẻ" của Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Quang Vinh đăng trên Dân Việt (ngày 12/10/2020) đã thống kê.

Tôi chắc chắn rằng: Với kho tàng nội dung văn, thơ của Việt Nam hiện nay, các nhà biên soạn sách giáo khoa nếu thực sự kỳ công và trách nhiệm thì hoàn toàn có thể chọn lựa được ngữ liệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Ngôn ngữ và hình ảnh trong ngôn ngữ đơn giản, gần gũi, dễ hiểu, trong sáng…; nội dung tích cực, hướng tới những bài học tốt đẹp và có tính giáo dục chân - thiện - mỹ cao. Đáng buồn là bộ sách đã ban hành và áp dụng vào giảng dạy mà vẫn còn quá nhiều hạn chế ở những yếu tố này.

Và đó cũng là điều tôi vô cùng tiếc khi Bộ Sách giáo khoa Cánh Diều đã không thể kiến tạo và vun đắp được những cảm xúc đẹp cho thế hệ măng non.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem