Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới - bài 3: Chương trình mở, nhà trường và cha mẹ phối hợp

Diệu Bình Chủ nhật, ngày 11/10/2020 19:00 PM (GMT+7)
Ở một số xã miền núi của huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, việc triển khai chương trình sách giáo khoa (SGK) mới khó khăn do kiến thức nhiều, thiếu đồ dùng trực quan. Tuy nhiên, xác định đây là chương trình mở, các trường đã chủ động tập huấn giáo viên, phối hợp với cha mẹ từ đầu để đem lại lợi ích tốt nhất cho các bé lớp 1.
Bình luận 0

Giáo viên chủ động

Xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là xã miền núi với địa bàn rộng, đường sá khó đi, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, việc "tìm" con chữ vốn chẳng dễ dàng nay lại gặp trở ngại hơn.

Cô Phạm Thị Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Trường Tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ việc triển khai Chương trình SGK giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Các em tiếp thu kiến thức chậm vì không có đồ dùng trực quan.

Theo cô Thu, Trường Tiểu học Hòa Bắc có tổng cộng 4 lớp 1, trong đó có 2 lớp ở thôn Phò Nam và thôn Nam Yên (đều thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) và 2 lớp dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc.

"Theo chương trình SGK mới, môn Tiếng Việt có số lượng chữ và từ rất nhiều. Nếu dạy kiểu truyền thống thì không có tranh ảnh để phục vụ cho môn học, còn dạy trình chiếu thì không thể vì không có cở sở vật chất. Đại đa số người dân tại đây đều làm nông, đi rẫy…, nhiều gia đình không quan tâm, giúp đỡ cho con em trong việc học tại nhà, tất cả chỉ phụ thuộc vào giáo viên, đã khó nay còn khó hơn", cô Thu nói.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới: Bài 3: Chương trình mở, nhà trường và cha mẹ phối hợp - Ảnh 1.

Một lớp học ở huyện Hòa Vang. Ảnh minh họa

Cũng theo cô Thu, dù bản thân giáo viên tại trường còn bỡ ngỡ với chương trình SGK mới, nhưng các thầy cô tại đây đều cố gắng tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất.

"Phụ huynh phàn nàn với giáo viên số lượng chữ trong sách quá nhiều và việc viết từ được đưa vào quá sớm. Bản thân giáo viên chúng tôi phải tìm lại những bộ sách cũ để xem có tranh ảnh nào phù hợp thì đưa vào sử dụng minh họa lại. Các cô cũng phải đi mượn máy tính hoặc dùng máy tính ở trường để chiếu một số tranh cần thiết trên tivi cũ, cố gắng hết sức giúp đỡ các em", cô Thu nói thêm.

Phối hợp với phụ huynh

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Hòa Vang cho biết để triển khai thuận lợi và hiệu quả Chương trình Sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 mới, đơn vị đã tổ chức hội nghị, hội thảo, trường tiểu học phối hợp với trường mầm non gặp gỡ trao đổi trực tiếp đối với phụ huynh trẻ mầm non 5 tuổi trước khi trẻ bước vào lớp 1, đồng thời chỉ đạo các trường bố trí đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững, có kinh nghiệm dạy lớp 1.

"Phòng GDĐT huyện Hòa Vang đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên dạy lớp 1 và giáo viên đại trà về chương trình giáo dục phổ thông, tập huấn việc sử dụng SGK lớp 1. Qua trao đổi, nắm bắt tình hình ở các trường học, một số phụ huynh học sinh bước đầu có lo lắng trong việc hướng dẫn con tự học ở nhà. Tuy nhiên, đến nay, họ đã cảm thấy ổn hơn", Trưởng phòng GDĐT huyện Hòa Vang thông tin.

Theo bà Trang, chương trình 2018 là chương trình mở, không phân chia đều nội dung bài học theo tuần và học kỳ (tức là không quy định hết học kỳ 1 là kết thúc bài nào, không yêu cầu giáo viên nhất thiết mỗi bài phải dạy trong 2 tiết, không dứt khoát dạy đủ số bài/tuần), mà tùy vào thực tế học sinh từng lớp để co giãn tiến độ thực hiện chương trình. Một vài tuần đầu tiến độ thực hiện có thể chậm. Khi học sinh dần ổn định nề nếp và kỹ năng học tập, quen với môi trường học tập, có thể đẩy nhanh tiến độ về các tuần sau. Việc này giao hoàn toàn quyền tự chủ cho mỗi giáo viên.

"Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị đánh giá học sinh lớp 1 nhẹ nhàng, không gây áp lực; không tổ chức làm bài kiểm tra trên giấy khi học sinh chưa đọc được các câu lệnh; không so sánh học sinh này với học sinh khác, tuyệt đối không ra thêm bài tập về nhà cho học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị phụ huynh dành một khoảng thời gian buổi tối ở nhà để hướng dẫn con chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập và làm một số công việc cần thiết khác để dần hình thành thói quen tự học sau này cho trẻ. Tại lớp, các giáo viên phải quan tâm đến mọi đối tượng học sinh, chú ý những học sinh chưa biết đọc, cần tập trung rèn luyện để các em đọc được", bà Trang nói thêm.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GDĐT TP.Đà Nẵng cho biết ưu tiên đảm bảo cho học sinh lớp 1 tâm lý nhẹ nhàng. Các cháu chuyển từ mầm non sang lớp 1 nên sẽ khó khăn, lại đúng thời điểm thành phố đang chống dịch nên sẽ chậm trễ hơn các địa phương khác. Vì thế, những tuần đầu tiên, sẽ cố gắng để cho trẻ làm quen.

"Việc dạy chương trình cũng không thể làm nhanh, vội vàng được, mà phải theo dõi lực học của các em để có sự điều chỉnh, quan tâm hơn. Giáo viên phối hợp với phụ huynh để luôn cố gắng không tạo áp lực cho học sinh, để các em có tâm lý thoải mái nhất", bà Thuận nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem