Vừa qua, một tờ báo có phản ánh về cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam" do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành 10.2014, xuất hiện những tình tiết phản cảm, bạo lực không phù hợp với các em nhỏ.
Cụ thể, trong truyện Thạch Sanh ở trang 39, có chi tiết khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi quần nhường cho con để con không phải sống trong tình trạng ở truồng. Độc giả cho rằng đây là một chi tiết lạ, hơn thế việc mô tả mẹ con Thạch Sanh nhường quần cho nhau là “không đúng mực”.
Bìa cuốn Truyện cổ tích Việt Nam của NXB Kim Đồng. Ảnh Thể thao Văn hóa.
Sách kể:
“Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm” - Nói rồi bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con – “Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc.
Rồi bà tắt thở.
Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xẻ một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế”.
Các chi tiết trong sách vấp phải phản ứng. Ảnh Thể thao Văn hóa.
Còn đối với chi tiết: "Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”, theo độc giả nhận định cách diễn đạt như vậy là hơi bạo lực.
Trong khi đó, trả lời một tờ báo, đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng cho biết: “Truyện cổ tích vốn có nhiều dị bản khác nhau. Truyện Thạch Sanh ở đây cũng là một dị bản được sưu tầm chứ không phải do nhóm biên soạn sáng tác ra. Khi làm bộ sách này, biên tập viên nhà xuất bản cũng đã cân nhắc và chỉnh sửa khá kỹ càng. Nhưng cách nhìn của mỗi thời đại về truyện cổ cũng có sự thay đổi”.
Trước ý kiến của nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng những tình tiết phản cảm trên là sưu tầm từ dị bản chứ không phải do nhóm biên tập sáng tác ra, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân.
Ông Ân cho biết: "Cái lý bảo rằng nhóm biên tập cuốn sách căn cứ vào dị bản nào đó của truyện cổ tích Thạch Sanh là không đúng bởi vì trong truyện cổ tích không thể có những tình huống đối thoại đến mức đến mức chi tiết đến như vậy.
Truyện cổ tích dù sao cũng thuộc dạng truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vậy thì nó không thể có những tình tiết đối thoại cụ thể mà phải truyền miệng từ những tình tiết lớn, theo đường nét của cốt truyện".
Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân khẳng định phía NXB đang cố biện minh cho sai lầm của mình.
Liên quan đến biện minh của nhóm biên tập rằng họ không hề sáng tác ra những tình tiết gây phản cảm và bạo lực, ông Ân khẳng định: "Những người nói rằng có một dị bản như vậy đang đưa lý do để biện hộ cho mình. Trên thực tế, họ đã thêm thắt vào những ý chủ quan của họ, tạo ra những hiệu quả phản cảm. Sau khi sự việc được dư luận lên tiếng, họ muốn tự bảo vệ mình nên mới lập luận như vậy.
Cũng theo chuyên gia Lại Nguyên Ân, những chi tiết như mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con, hay Thạch Sanh đánh phọt óc Trằn tinh là phản cảm, bạo lực giống với nhận định của độc giả và thực sự không phù hợp với trẻ em, nên có những biện pháp sửa chữa và khắc phục nhanh chóng bên phía Nhà xuất bản Kim Đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.