Sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 09/04/2021 06:23 AM (GMT+7)
Dịch tay chân miệng đang bùng phát, nguy cơ trẻ mắc bệnh là rất lớn. Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị bệnh cần lưu ý để tránh sai lầm khiến bệnh của trẻ nặng hơn
Bình luận 0

Đã có 4 trẻ tử vong vì bệnh tay chân miệng

Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2 ca), An Giang (1 ca) và Long An (1 ca). 

So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang. 

Nhận định về bệnh tay chân miệng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây ra, (2 chủng virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71), dễ phát triển thành dịch và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…

Sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng - Ảnh 1.

Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết như nước bọt, nước mũi hoặc chất thải (phân) của người bệnh. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu chữa bệnh mà chủ yếu là điều trị các triệu chứng.

Theo PGS Dũng, trẻ bị tay chân miệng thường có biểu hiện sốt (đa số sốt vừa phải, không sốt cao), sau đó nổi các nốt phát ban ở lòng bàn chân, bàn tay, mông, khuỷu tay, trong miệng. Đáng nói, các vết phát ban trong miệng thường khiến trẻ đau đớn, quấy khóc, khó ăn uống.

"Khi trẻ mắc tay chân miệng, điều quan trọng là cha mẹ phải vệ sinh răng miệng cho con rất cẩn thận để tránh bội nhiễm, nấm miệng, viêm nha chu khiến vết rộp nghiêm trọng, đau đớn hơn", PGS Dũng khuyến cáo.

Tuy nhiên, sai lầm của cha mẹ là thấy con đau đớn thì ngại vệ sinh răng miệng cho trẻ hoặc vệ sinh quá mạnh khiến các vết rộp loét ra, gây bội nhiễm vi khuẩn.  

Theo PGS Dũng, đa phần trẻ mắc tay chân miệng sẽ tự khỏi, có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ đúng cách, đảm bảo theo dõi sức khỏe của trẻ chặt chẽ, nhận biết các biểu hiện khác lạ để đưa trẻ đi viện kịp thời.

"Sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải là khi trẻ bị sốt thì tự dùng thuốc hạ sốt, thậm chí dùng không đúng liều, đủ liều hoặc mời người về truyền nước cho trẻ tại nhà. Điều này rất nguy hiểm", PGS Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, cha mẹ còn ủ ấm khi trẻ bị sốt, điều này càng khiến trẻ sốt cao hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng không cho trẻ tắm, rửa tay cho con thường xuyên, để con gãi loét các vết mụn rộp, khiến vết loét bị bội nhiễm...

Lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng

PGS Dũng khuyến cáo, khi trẻ bị mắc tay chân miệng, cha mẹ nên giảm sốt cho con bằng paracetamol đúng liều theo khuyến cáo của bác sĩ, không ép trẻ ăn, động viên trẻ ăn đồ ăn mềm, loãng, uống nhiều nước. Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, để trẻ súc miệng sau mỗi lần ăn và trước khi đi ngủ... Không được đánh răng, dùng khăn chà mạnh trong miệng trẻ...

Nếu trẻ sốt cao hơn 39 độ, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay để được khám và điều trị.

Sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng - Ảnh 2.

Trước đó, bác sĩ Trương Văn Quý (Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E) cũng cho biết, hiện các bác sĩ thực hiện phân loại tay chân miệng ở trẻ em theo mức độ nặng của bệnh theo 4 mức độ để xác định và đưa ra quyết định bệnh nhân nhi có cần nhập viện điều trị hay không.

Theo đó, nếu bệnh nhân ở mức độ 1 có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà.

Nếu bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ 2, bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ.

Ở mức độ 3, bệnh tay chân miệng trẻ em có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú. Nhịp thở nhanh, thở bất thường: có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, xuất hiện rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ. 

Ở mức độ 4: Bệnh tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc.

"Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu chủ quan, dịch bệnh này chắc chắn sẽ bùng phát. Tương tự như đợt dịch năm 2013, nhiều trẻ mắc bệnh, nhiều trẻ bị di chứng bệnh rất nặng nề, có cháu bị di chứng thần kinh, bại não", bác sĩ Quý khuyến cáo. 

Các dấu hiệu bao gồm: Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao; Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng; Tổn thương ở da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

- Rửa sạch đồ chơi và các vật dụng trẻ hay cầm nắm.

- Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

(Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem