Sai phạm đất đai ở Bình Dương: Trả lại “đất vàng” để khắc phục sai phạm, được hay không?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 22/06/2021 15:39 PM (GMT+7)
Những vi phạm về quản lý đất đai tại Bình Dương đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kết luận (2 khu “đất vàng” 43 ha và 145 ha). Các bên liên quan có kiến nghị nộp tiền khắc phục hoặc xin nhượng lại phần vốn góp cho nhà nước... Nhưng, liệu việc này có thực hiện được ?
Bình luận 0

Theo tìm hiểu của Dân Việt, liên quan đến 2 khu "đất vàng" tại Bình Dương gồm 145 ha (dự án sân golf Harmonie Golf Park) và 43 ha (dự án khu đô thị Tân Phú), hiện các bên liên quan đã có các động thái khắc phục thiệt hại, hỗ trợ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, thu hồi tài sản về cho nhà nước.

Sai phạm đất đai ở Bình Dương: Trả lại “đất vàng” để khắc phục sai phạm, được hay không? - Ảnh 1.

Lô "đất vàng" 43ha của Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) nay đã về tay tư nhân (Ảnh: Môi trường và Đô thị)

Khắc phục thiệt hại liên quan đến 2 khu "đất vàng"

Khu đất 145 ha (dự án sân golf Harmonie Golf Park), Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) đã có nghị quyết về việc thống nhất chủ trương:  Chuyển nhượng 30% cổ phần mà tổng công ty này sở hữu tại Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) - chủ đầu tư của dự án sân golf 145 ha tại TP mới Bình Dương.

Trước đó, 2 cổ đông khác của Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành là Công ty CP Hưng Vượng (chiếm 38% cổ phần) và Công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32% cổ phần), đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và cơ quan chức năng, đề nghị nhượng lại cổ phần tại Công ty Tân Thành cho doanh nghiệp nhà nước, là Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (hiện 100% vốn thuộc Tỉnh ủy) quản lý.

Giá chuyển nhượng, theo đề nghị của các bên liên quan, là theo giá trị sổ sách của khoản đầu tư. Đồng nghĩa, Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (IMPCO) có cơ hội sở hữu 100% vốn của Công ty Tân Thành - chủ đầu tư của dự án sân golf 145ha - với giá gốc (khoảng trên 500 tỷ đồng). Trong khi giá thị trường của khu đất này có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Việc chuyển nhượng có phần "thua thiệt" này, theo lý giải của các bên liên quan là "để khắc phục những sai sót trong quá trình mua cổ phần tại dự án 145 ha". Trên thực tế, cả 2 cổ đông nắm giữ tới 70% cổ phần của Công ty Tân Thành đều thuộc đối tượng không được tham gia góp vốn, gồm đại diện Công ty Hưng Vượng là ông Nguyễn Văn Minh, khi đó là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3-2. Và, Chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển là bà Nguyễn Thục Anh - con gái ông Minh.

Động thái chủ động của 2 cổ đông này, theo lý giải của giới luật sư, đây chỉ được coi là "tình tiết giảm nhẹ" cho các cá nhân sai phạm.

Trong khi đó, với khu "đất vàng" 43 ha, tổng số tiền Tổng công ty 3-2 thu về qua chuyển nhượng đất và vốn góp Công ty Tân Phú là 351 tỷ đồng. Riêng tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 250 tỷ đồng, thấp hơn bảng giá đất của UBND tỉnh quy định.

Sai phạm đất đai ở Bình Dương: Trả lại “đất vàng” để khắc phục sai phạm, được hay không? - Ảnh 2.

Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) đã được giao nhiều "đất vàng" để phát triển nhưng lần lượt rơi vào tay tư nhân (Ảnh: HNX)

Sau khi sở hữu 100%, tháng 9/2017, Công ty Âu Lạc đã bán toàn bộ Công ty Tân Phú với 43 ha đất cho Công ty Kim Oanh chỉ với giá 350 tỷ đồng, thấp hơn cả mức giá đất theo bảng giá của nhà nước vào năm 2016, thấp hơn cả số tiền Công ty Âu Lạc phải bỏ ra để sở hữu toàn bộ Công ty Tân Phú với 43 ha đất. Bởi, nếu tính theo đơn giá do nhà nước quy định năm 2016, thì 43 ha đất có giá hơn 375 tỷ đồng, cao hơn 125 tỷ so với giá đất mà Tổng công ty 3-2 bán cho Công ty Tân Phú.

Cuối năm 2019, Tổng công ty 3-2 nộp về tài khoản phong tỏa của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương hơn 125,6 tỷ đồng. Tháng 4/2020, Công ty Âu Lạc (thông qua Tổng công ty 3-2) cũng đã nộp 126,8 tỷ đồng cho Cơ quan điều tra nhằm khắc phục hậu quả. 

Tuy nhiên, nếu so với giá trị thị trường hiện tại của khu đất (đất mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và đường Võ Văn Kiệt gần Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - vị trí đắc địa bậc nhất của tỉnh, với giá hàng chục triệu đồng/m2), thì các động thái "khắc phục hậu quả" với khu "đất vàng" 43 ha xem như chưa thực sự hiệu quả.

Có đúng quy định luật pháp ?

Điều 80 - Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai: "Trường hợp chấm dứt việc góp vốn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do vi phạm pháp luật về đất đai, thì nhà nước thu hồi đất đó". Như vậy, nếu việc góp vốn trước đây của Tổng công ty 3-2 vào Công ty Tân Thành, nếu thuộc trường hợp trên thì phương án chuyển nhượng vốn có thể không thực hiện được.

Sai phạm đất đai ở Bình Dương: Trả lại “đất vàng” để khắc phục sai phạm, được hay không? - Ảnh 3.

Luật sư Lê Bá Thường, thành viên đoàn Luật sư TP.HCM (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, nếu việc góp vốn của Tổng công ty 3-2 bằng quyền sử dụng đất toàn bộ khu đất 145 ha vào Công ty Tân Thành được công nhận, thì phương án đề xuất của các cổ đông hiện hữu tại Công ty Tân Thành, về việc chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho IMPCO là có cơ sở.

"Về bản chất, đây là một phương án gián tiếp để trả lại khu đất 145 ha về cho doanh nghiệp  thuộc Tỉnh ủỷ Bình Dương quản lý ,nhằm khắc phục hậu quả vi phạm từ việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất trước đây (nếu có)" - luật sư Lê Bá Thường (Giám đốc Công ty luật Dân Luật Tín Thành, thành viên đoàn luật sư TP.HCM) nói.

Tuy nhiên, luật sư Lê Bá Thường cũng cho rằng, do IMPCO là doanh nghiệp 100% vốn nhà Nước – thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp 2014 (Luật QLSDVNNTDN 2014); và việc nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại vào công ty Tân Thành thuộc một trong các hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, theo Điều 6 - Luật QLSDVNNTDN 2014, nên sẽ phải đáp ứng được các điều kiện, trình tự, thủ tục tại Mục 4, Chương II, Chương III - Luật QLSDVNNTDN 2014 và Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, về về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ).

Trong khi đó, với khu "đất vàng" 43 ha, năm 2016 Tổng Công ty 3-2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng, tương đương gần 600.000 đồng một m2. Kết quả điều tra của Bộ Công an xác định, việc chuyển nhượng khu đất do Tổng Công ty  3/2 thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã gây thất thoát hơn 126 tỷ đồng. Điều này đã bị phạm Điều 27 - Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem