Ngày 30.12, trao đổi với NTNN, ông Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết: Phần án phí của các bị cáo trong vụ án Vinalines cơ bản đã được thi hành.
Theo bản án phúc thẩm của TAND Tối cao, Dương Chí Dũng và các đồng phạm ngoài việc phải nộp án phí phần hình sự (200.000 đồng) thì các bị cáo còn phải nộp án phí cho phần dân sự trong bản án hình sự.
Theo đó Dương Chí Dũng (SN 1957) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) phải nộp 218 triệu đồng; Mai Văn Phúc (SN 1957) - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) phải nộp 218 triệu đồng; bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines nộp gần 155 triệu đồng; bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1963) - nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines nộp hơn 147 triệu đồng; bị cáo Mai Văn Khang (SN 1959) nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Vinalines phải nộp 120 triệu đồng...
Dương Chí Dũng và các đồng phạm.
"Việc thi hành án phần án phí này được thực hiện thuận lợi là nhờ người nhà của các bị cáo đã nộp một khoản tiền khắc phục trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án" - ông Khôi cho biết.
Tuy nhiên phần các bị cáo phải bồi thường thiệt hại 367 tỷ đồng do sai phạm trong việc mua ụ nổi 83M lại chưa thi hành được đồng nào. Theo bản án phúc thẩm của TAND Tối cao, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc phải nộp khoản tiền đền bù thiệt hại là 110 tỷ đồng. Bị cáo Trần Hữu Chiều phải đền bù 39 tỷ 340 triệu đồng, Trần Hải Sơn phải nộp 46,8 tỷ đồng, Huỳnh Hữu Đức 7 tỷ đồng, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện nộp 6 tỷ đồng...
"Việc thi hành phần bồi thường này phải có đơn yêu cầu của phía bị hại trong vụ án là Vinalines. Cục Thi án dân sự TP.Hà Nội đã chủ động gửi công văn sang Vinalines bị hại trong vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm để thúc giục, hướng dẫn đơn vị này trong việc làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng đến cuối tháng 11.2014, vẫn chưa nhận được đơn của Vinalines" - ông Khôi cho hay.
"Chúng tôi sẽ chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đến làm việc trực tiếp và lập biên bản với đại diện Vinalines. Sau khi chúng tôi làm hết trách nhiệm của mình mà Vinalines vẫn không có đơn yêu cầu thi hành án thì Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ báo cáo vụ việc lên Bộ Tư pháp để Bộ có giải pháp" - ông Khôi cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.