Samurai gan dạ vì... nhiễm độc chì?

Thứ năm, ngày 31/01/2013 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Võ sĩ Samurai Nhật Bản nổi nổi tiếng gan dạ, không sợ chết. Đằng sau sự gan dạ đó là gì? Một số nhà khoa học tin rằng nhờ chì trong phấn trang điểm của mẹ các samurai. Nói cách khác, samurai “chì” vì bị nhiễm độc chì.
Bình luận 0

Các nhà nghiên cứu phát hiện giai cấp samurai bị nhiễm độc chì rất cao vì các loại mỹ phẩm của mẹ họ, do đó lớn lên bị biến dạng, thiểu năng và lệch lạc thần kinh. Những khuyết tật đó chính là tiền đề khiến họ không thể đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị, dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của chế độ phong kiến do họ kiểm soát.

Nhà nghiên cứu Tamiji Nakashima đã nghiên cứu xương của các samurai để tìm ra nguyên nhân cái chết của họ. Dựa trên các phân tích hóa học và X-quang, xương của trẻ em thuộc tầng lớp samurai chứa lượng chì cao gấp 12 lần so với đàn ông và phụ nữ trưởng thành. Trong khi lượng chì ở trẻ em từ 3 tuổi trở xuống cao gấp 50 lần mẹ của họ.

img

Các nhà nghiên cứu cho biết phấn dùng trong thời kỳ đó được làm từ clo-rua thủy ngân và chì trắng. Lượng chì trong xương của những người phụ nữ trưởng thành cao gấp đôi của đàn ông bình thường. Sữa của họ hẳn đã bị nhiễm độc chì nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng nhiễm độc chì cao ở con cái họ. Phấn trắng dùng để đánh mặt của các bà mẹ là nguyên nhân chính.

Trong thời kỳ Edo, mỹ phẩm trở nên phổ biến và thịnh hành trong giới diễn viên, gái điếm, geisha và những người quyền quý. Chính điều này đã tạo ra một sự thay đổi cho các samurai.

Theo nghiên cứu, xương samurai bị nhiễm độc chì nặng nhất là thời Edo, có thể khiến họ mất khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị 1853-1867, dẫn đến sự sụp đổ của Shogunate. “Một giai cấp thống trị nhưng bị thương tổn về thần kinh sẽ không thể là công thức thành công. Vì samurai là tầng lớp cầm quyền, nhiều sai lầm chính trị xuất hiện và ngày càng trầm trọng, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ”.

Chì đặc biệt có hại cho sự phát triển não của bào thai và trẻ nhỏ, nó ảnh hưởng đến sự trao đổi chất can-xi và vitamin D và gây ra những tác động không thể đảo ngược bao gồm khả năng học tập, các vấn đề về hành vi và chậm phát triển tâm thần… Ở mức độ cao, nhiễm độc chì có thể dẫn đến co giật, hôn mê và thậm chí là chết.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nakashima đã nghiên cứu các mẫu xương của trẻ em sống ở 400 năm trước đây trong thời kỳ Edo của Nhật Bản, khi nước này được cai trị bởi một loạt các tướng quân (shogun), những người đã xây dựng một hệ thống phong kiến được bảo vệ bởi các samurai sẵn sàng “mổ bụng” để bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối.

Sau khi lấy mẫu xương sườn của họ và chụp X - quang một số mẫu xương cánh tay và xương chân, họ phát hiện trẻ em thời đó có quá nhiều chì, đủ để gây ra suy giảm trí tuệ nghiêm trọng. Trong đó, các trẻ dưới 3 tuổi là tồi tệ nhất, với mức độ nhiễm trung bình là 1.241 microgram chì trong mỗi gram xương - hơn 120 lần mức gây ra các vấn đề về thần kinh và hành vi.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem