Ông Lương Văn Thảnh - giám đốc cảng HKQT Cam Ranh - cho biết: “Sân bay này chỉ là cảng quốc tế theo tiêu chuẩn của VN, chứ còn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì còn thiếu nhiều thứ lắm”.
|
Một chuyến bay quốc tế đến sân bay Cam Ranh |
Không nước ngọt, thiếu cứu hỏa
Ông Lương Văn Thảnh thừa nhận: “Nhu cầu dùng nước ngọt của cảng mỗi ngày khoảng 100m3, nhưng hiện nay cảng không có nước ngọt. Từ năm 2005, tỉnh Khánh Hòa định làm nhà máy nước sạch từ xã Cam Hải Bắc của huyện Cam Lâm kéo về sân bay nhưng vẫn chưa thấy triển khai, nghe đâu chưa bố trí được vốn”. Cảng HKQT Cam Ranh phải xây dựng hệ thống ống dẫn nước biển về cảng, rồi dùng nước ở ba giếng khoan (bị nhiễm dầu) pha trộn làm giảm độ mặn để sử dụng tạm.
Cùng với việc không có nước ngọt, hiện cảng HKQT này cũng không có xe chuyên dùng bơm nước ngọt theo nhu cầu các máy bay của các hãng hàng không nước ngoài. Để “chữa cháy”, lãnh đạo cảng HKQT Cam Ranh dự định thuê xe chuyên dùng chở nước máy từ TP Nha Trang vào bơm cho máy bay.
Đáng nói, hiện sân bay Cam Ranh đang thiếu xe cứu hỏa đủ năng lực để chữa cháy cho các loại máy bay lớn trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Bà Hoàng Thị Phong Thu - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ xuất nhập cảnh Ánh Dương, đơn vị đang phối hợp với các doanh nghiệp Nga mỗi ngày đưa hai chuyến máy bay thuê bao chở du khách từ Nga sang VN qua sân bay Cam Ranh - nói: “Chúng tôi muốn đưa các loại máy bay lớn như Boeing 777 chở khách từ Nga sang, nhưng cảng HKQT Cam Ranh không đủ điều kiện tiếp nhận loại máy bay này vì phương tiện cứu hỏa không đảm bảo”.
Ông Lương Văn Thảnh cho biết sân bay có hai xe cứu hỏa đủ năng lực chữa cháy cho các loại máy bay nhỏ và trung bình, còn các loại máy bay lớn từ Airbus 320 trở lên thì không đảm bảo. Theo ông Thảnh, phải có thêm một xe cứu hỏa nữa (giá khoảng 17 tỉ đồng), cảng mới có thể tiếp nhận được các máy bay lớn và nhanh nhất phải đến cuối 2012 mới trang bị được. “Hồi tháng 9-2011, để tiếp nhận một số chuyến bay bằng Boeing 777, cảng HKQT Cam Ranh phải thuê một xe cứu hỏa hàng không từ Đà Nẵng vào với giá 150 triệu đồng/tháng” - ông Thảnh kể.
Không có đường bay quốc tế cố định
Cái thiếu “cốt lõi” đối với sân bay Cam Ranh là... không có đường bay quốc tế cố định nào kể từ khi được công bố là cảng HKQT vào cuối năm 2009. Trong hai năm 2010 và 2011, chỉ có hai hãng hàng không của Nga là Vladivostok Air và Oren Air thực hiện những chuyến bay thuê bao sang Cam Ranh cho du khách nghỉ đông, bay vài tháng rồi nghỉ.
Năm 2011, Hãng Korean Air của Hàn Quốc cũng bay khoảng chục chuyến thuê bao cho du khách nước ngoài đến Nha Trang nghỉ hè. Còn lại, cảng HKQT Cam Ranh chủ yếu đưa đón du khách đi, đến Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Hiện sân bay Cam Ranh chỉ có một đường băng dài 3.050m. “Đường băng giờ nứt nẻ hết. Sau mỗi chuyến bay, chúng tôi đều cử nhân viên kỹ thuật đi kiểm tra đường băng để phát hiện chỗ nào hở lớn là trám trét lại. Đường băng được xây dựng từ năm 1964, giờ đây lưu lượng máy bay lớn cất, hạ cánh mỗi ngày 10-20 chuyến, không xuống cấp sao được? - ông Lương Văn Thảnh nói.
Tỉnh Khánh Hòa và Bộ Giao thông vận tải đang tính đến việc xây dựng đường băng số 2 cho cảng HKQT Cam Ranh, nhưng đến nay chưa tìm được số vốn 1.700-2.000 tỉ đồng để thực hiện.
Tiếng là cảng HKQT nhưng sân bay Cam Ranh không có quầy thu đổi ngoại tệ. Bà Natalia, một du khách Nga, bày tỏ: “Tôi rất ngạc nhiên khi một sân bay quốc tế lại không có nơi để đổi tiền. Chúng tôi đi từ xa đến, không biết nơi để đổi tiền và có thể bị lừa nên rất tin tưởng những quầy đổi ngoại tệ ngay tại sân bay”.
Theo ông Lương Văn Thảnh, cảng HKQT Cam Ranh được phép lập điểm thu đổi ngoại tệ, nhưng vì khách nước ngoài không lớn và không phải ai cũng có nhu cầu, nếu lập ra thì... thu không đủ bù chi!
Theo Tuổi trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.