Tìm đá trong núi
Sau 2 giờ thót tim vì ngồi trên con thuyền hai dàn máy mà đáy thuyền cứ miết trên đá ngầm dưới lòng sông mỗi khi vượt ghềnh, chúng tôi táp lên một đỉnh núi hoang, đứng trước những hố sâu hun hút mà dân làm đá đang khai thác ở mỏ đá Toa Tàu (xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) để tìm đá làm lợp nhà. Lúc chúng tôi có mặt cũng là khi cơn mưa nặng hạt bắt đầu rơi, nhưng người làm đá đành ngừng tay búa, tụ tập bên nhau với những câu chuyện cơm áo gạo tiền và cả những hy vọng tìm được mỏ đá mới.
|
Công nhân đi vào mỏ đá Toa Tàu. |
Anh Tòng Văn Hoa -người bản Hốc, phường La Lay, thị xã Mường Lay (Điện Biên) giãi bày: “Nếu trời mưa mà cố tình làm thì nguy hiểm lắm, vì chỉ cần vài hột mưa thôi cũng đủ để cho đất đá trôi xuống những hố đào, hoặc làm sập hố. Khi làm đá dính trời mưa thì giống như người bơm xăng mà châm thuốc hút, nên có đang gặp vỉa mà trời mưa thì cũng đành bỏ để giữ lấy cái thân”.
Kéo điếu thuốc lào đến bạc cả tóp, chiêu một ngụm nước, anh Lù Văn Ngữ nói nghề làm đá cần có đôi tay và sức khỏe thôi, không dùng được bất cứ loại máy móc gì cả. Các lớp đá ở đây mỏng như vỏ trứng và giòn như ruột bút chì, nếu đưa máy móc vào chỉ cần máy rung thôi cũng đủ làm vỡ vụn từng thớ đá.
“Để khai được một vỉa đá, chúng tôi phải đào bằng tay, chỗ ít cũng phải mất 3 tháng liên tục, còn có những đợt đào đến 7 tháng mới thấy đá. Có khi thăm không chuẩn thì có đào cả năm cũng chẳng được miếng nào. Khi thấy rồi thì phải nhẹ nhàng như nâng trứng tách ra và mang kéo vào cắt với tiêu chuẩn 20x20, lúc đó mới bán được cho dân mang về lợp mái nhà”.
Tôi thắc mắc vì sao loại đá đen dùng để lợp nhà ở dưới tầng đất sâu thế mà các anh lại biết được mà móc lên? Anh Hoa cho hay: Chúng tôi cũng đã làm đá nhiều đời rồi, nghề khai thác đá đen ven sông Đà cũng đã có cả trăm năm, trước kia người Pháp xây Nhà hát Lớn Hà Nội, xây Bắc Bộ Phủ cũng đã lấy đá sông Đà lợp mái. Nên chỉ cần đi dọc sông nhìn thấy những gờ đá như mầm cây nhú lên khỏi mặt đất là chúng tôi có thể đoán được, đào khoảng bao nhiêu mét là tới đá thành phẩm...
Nhìn đống đá thành phẩm xếp gọn gàng, tôi cứ nghĩ thiên nhiên và cấu tạo địa lý ở đây hoàn hảo như một cỗ máy đã tách từng lớp đá ra dày đúng 15mm/viên không hơn không kém. Anh Hờ Chung Văn - một thợ làm đá tranh thủ quảng cáo: “Tuy mỏng thế này thôi nhưng khi đem lợp nhà thì mát vô cùng và có đến trăm năm cũng không bị hư hỏng hay dột nát”.
Đối mặt với tử thần
Có mặt ở nơi được gọi là mỏ đá của sông Đà, ít nhiều chúng tôi cũng được chứng kiến vẻ đẹp của những vỉa đá khi chúng đã được tách khỏi núi hay móc lên từ lòng đất và cả ở những công trình xây dựng.
Ở phế tích dinh Vua Thái Đèo Văn Long nằm ngay bên Quốc lộ 12, giáp với bờ sông Đà và cạnh cây cầu Hang Tôm nối liền hai tỉnh Điện Biên - Lai Châu, đá hiện diện khắp nơi: Từ bờ tường, cột đá và mái nhà, cả những con sư tử cũng làm bằng đá. Không ai biết được tại sao người ta có thể tìm được nhiều đá đẹp như thế để xây dựng một tư dinh bề thế... Những mái nhà sàn của đồng bào Thái cũng phủ bằng đá đen. Và bây giờ thì những chuyến xe tải lớn nhỏ đêm ngày chở đá về xuôi, đưa đá sang cả trời Tây...
Đi cùng với những điều này là nhiều câu chuyện về đời làm đá đầy cơ cực. Dẫn chúng tôi đi qua vô vàn những mảnh đá mới được bóc ra đang đợi nước to thì đưa thuyền vào chở về xưởng để chế biến, anh Nguyễn Duy Kỳ - Giám đốc Doanh nghiệp Thiên Minh đang khai thác mỏ đá Toa Tàu cho hay: “Chính vì mỏ đá này mà tôi cùng một số cán bộ Sở TNMT Lai Châu suýt nữa phải bỏ mạng đấy.
Anh Kỳ cũng thừa nhận ở mỏ chưa có chết người nhưng gãy chân, tay, xương sườn thì đã có, còn xước sát là việc thường xuyên gặp phải. Đổi lại, thu nhập bình quân của phu làm đá vào những ngày cao điểm được khoảng 150.000 đồng/người.
Lúc đó mỏ mới đang trong thời kỳ khảo sát, chúng tôi dẫn đoàn cán bộ xuống kiểm tra gặp cơn dông đột ngột, tự nhiên khe suối nơi cả đoàn đang đứng bỗng ầm ầm chuyển động, rồi một dòng lũ ống xuất hiện. Trong dòng nước, đá cứ lục cục phóng đi như những mũi tên ngầm, còn các cây gỗ lớn nhỏ cứ bị bứng đi đổ ra sông Đà. Cả đoàn phải cắt rừng vắt chân lên cổ chạy ngược lên núi mới thoát thân”.
Bổ sung thêm về cái sự nguy hiểm của nghề “đào âm ti, treo lưng trời” này, anh Điêu Văn Vại cho biết: Cách đây 1 tháng, khoảng 7 giờ tối trời không mưa gió gì bỗng uỳnh một tiếng, cả một góc núi bỗng sụt xuống. May là lúc đó cả mỏ đang ăn cơm, nhưng tất cả dụng cụ lao động của cả mỏ đều để ở công trường bị vùi dưới cả ngàn khối đá”.
Kiếm ăn bằng nghề làm đá chủ yếu là lao động tự do, ngoài một số là người bản địa còn lại đến từ Thanh Hóa, Hà Nội... Thời kỳ cao điểm, mỏ Toa Tàu có đến 200 người, còn tính chung các mỏ dọc sông Đà phải lên tới cả nghìn thợ đá. Tình trạng tranh giành hang, vỉa đã diễn ra giữa những nhóm thợ này. Ở chốn thâm sơn cùng cốc này thì chỉ có luật rừng là thắng thế. Những tệ nạn xã hội như nghiện hút cũng đã xuất hiện. Giờ đây, thợ đá không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm từ công việc, thiên nhiên mà cả từ phía con người.
Nguyễn Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.