Sản phẩm của nông dân xuất sắc "cháy hàng"

Nguyên Vỹ - Thuận Hải Thứ tư, ngày 12/04/2017 11:33 AM (GMT+7)
Nhiều mặt hàng nông sản không cùng địa phương hoặc do khác biệt về chủng loại lại nhưng vẫn đứng cạnh nhau trong một gian hàng. Các chủ gian hàng nói rằng đó là cách nông dân chia sẻ nhau từng cơ hội, dù nhỏ...
Bình luận 0

Sau đêm khai mạc, ngày 11.4, Hội chợ và triển lãm  “Nông dân xuất sắc thời hội nhập - Nông nghiệp đô thị và Giao thương kinh tế vùng Đông Nam Bộ năm 2017” tấp nập khách tham quan, mua sắm.

img

Gian hàng bánh tráng của Hội Nông dân Bình Định.   Ảnh: NGUYỄN VỸ

Chia nhau từng chỗ bày hàng

Tại một góc nhỏ của gian hàng Hội Nông dân TP.HCM, du khách không khỏi bỡ ngỡ khi bắt gặp từng hộp mắc ca của Lâm Đồng lại “sánh đôi” cùng gian hàng rau hữu cơ của TP.HCM. Bà chủ HTX Nông nghiệp Mai Hoa (TP.HCM), kể gian hàng của mình là một đại diện của Hội Nông dân TP.HCM nhưng vì quen biết đã lâu gian hàng mắc ca Lâm Đồng tại Phiên chợ xanh (do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức hàng tuần) nên “rủ bạn cùng tham gia”. Bà cho biết, làm nông nghiệp không phải lúc nào cũng như ý muốn, mình giúp người khác, sau họ lại giúp mình. Cơ sở mắc ca này vừa cho thu hoạch đợt đầu tiên sau 9 năm trồng. Mắc ca là sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, những quả mắc ca còn tươi mởn được đem xuống TP.HCM rất muốn giới thiệu đến người dùng. “Vì thế chúng tôi đã đề nghị Ban tổ chức tạo điều kiện để quầy hàng nhỏ bé này được đứng chung với trong gian của Hội Nông dân TP.HCM” - bà chủ HTX Nông nghiệp Mai Hoa kể.

Tại một số gian hàng khác, nếu để ý du khách cũng sẽ nhận ra những trường hợp “sánh đôi” tương tự thế. Như sản phẩm sầu riêng giống Ri6 của chị Mỹ Đức ở Long Khánh (Đồng Nai) được bày chung cùng sản phẩm sầu riêng VietGAP của anh Trần Anh Tùng (huyện Long Thành, Đồng Nai). Anh Tùng thừa nhận, năm nay “trái gió trở trời”, cây trái thu hoạch chậm, nhiều sản phẩm cũng muốn đưa về góp mặt nhưng không đủ số lượng nên anh không dám đăng ký gian hàng riêng.

img

Khách nước ngoài thích thú với các sản phẩm của làng nghề truyền thống TP.HCM. Ảnh:  N.V

“Tôi được miễn phí 2 gian  hàng theo diện nông dân xuất sắc, nhưng cũng đâu dùng hết trong khi nhiều người khác rất cần. Một số sản phẩm sạch, chất lượng cao của chủ vườn khác xuất hiện chung là vì vậy” - anh Tùng nói.

Nương tựa nhau cùng “ra biển lớn”

Nếu không để ý sẽ khó nhận ra gian hàng trà Gò Lôi - một sản phẩm đặc trưng của Hoài Ân (Bình Định) nhưng không phải ai cũng biết đến. Lần này trà Gò Lôi xuất hiện  bên cạnh các sản phẩm đã có tên tuổi như rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện… 

Về tham dự hội chợ - triển lãm này, tôi muốn gặp nhiều nông dân giỏi, bàn cách cùng hợp tác làm ăn. Nếu tìm được người có cùng chí hướng, muốn phát triển trái bơ Việt Nam để đi chinh phục thị trường các nước thì càng tuyệt nữa”.

Ông Dương Mã Dưỡng

Ông Nguyễn Hữu Oanh - nông hộ đang tham gia xây dựng vùng nguyên liệu trà Gò Lôi chia sẻ, hương vị của trà Gò Lôi chỉ riêng vùng đất Hoài Ân mới tạo ra được. “Quyết tâm gầy dựng thương hiệu nên chúng tôi cũng muốn xuất hiện cùng các tên tuổi lớn vào thị trường lớn là vì vậy” - ông Oanh nói.

Tại gian hàng của tỉnh Long An, sản phẩm của những nông dân xuất sắc trong tỉnh cũng được bài trí sát cạnh nhau như chanh không hạt của bà Bùi Thị Ba, chuối cấy mô của ông Võ Quan Huy… Bà Ba cho biết mỗi người mỗi sản phẩm, ai lo phần của người đó nhưng cơ hội được gặp nhau như thế này không nhiều: “Sản phẩm khác nhau nhưng kinh nghiệm khai phá thị trường, nhất là nước ngoài rất đáng học hỏi”.

Bà Ba cho biết, từ những hội chợ như thế này bà tìm được những đơn hàng lớn đi nước ngoài. Rồi từng bước bà thâm nhập thẳng vào thị trường của nước bạn để hạn chế bán tiểu ngạch. “Nhiều sản phẩm của chúng ta không thua kém các nước, nhưng để  ổn định được nguồn tiêu thụ, nông dân càng cần liên kết chặt chẽ hơn, người đi trước chia sẻ với người đi sau”.

Còn theo ông Dương Mã Dưỡng - nông dân xuất sắc của tỉnh Bình Phước, sản phẩm trái bơ sáp của Việt Nam rất ngon, khách hàng nước ngoài  ưa chuộng. Tuy nhiên, vấn đề mà ông Dưỡng gặp phải hiện nay là không có đủ sản phẩm để đáp ứng các đơn hàng số lượng lớn, dài kỳ nên ông đành ngậm ngùi để cơ hội “tuột khỏi tầm tay”. “Tôi muốn gặp nhiều nông dân giỏi, bàn cách hợp tác làm ăn. Nếu tìm được người có cùng chí hướng, muốn phát triển trái bơ Việt Nam để đi chinh phục thị trường các nước thì càng tuyệt nữa” - ông Dưỡng cho biết mục đích tham gia hội chợ.

Cùng đoàn nông dân từ Bình Định vào TP.HCM tham gia triển lãm, ông Đặng Hoài Tân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, ông thuê phòng ở ngay cạnh công viên Lê Văn Tám để tiện việc chạy ra chạy vào, động viên anh em tham gia hội chợ. Buổi tối, ông Tân cũng đi khắp khu hội chợ - triển lãm, cùng bà con giới thiệu sản phẩm, bán hàng đến tận tay người tham quan...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem