Ngồi nhà cũng mua được đặc sản OCOP nhờ “lên sàn” thương mại điện tử

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 30/11/2022 11:13 AM (GMT+7)
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) - một thị trường mới nhưng được đánh giá đầy tiềm năng, đang là hướng đi mà hầu như doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác nào tại TP.HCM cũng đang hướng tới.
Bình luận 0

Mở rộng tệp khách hàng đối với sản phẩm OCOP

Mới đây, huyện Bình Chánh đã hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn đưa sản phẩm lên sàn TMĐT mekongexpo.vn. Từ đây, các sản phẩm OCOP như bưởi da xanh, mật ong rừng, hà thủ ô và nhiều sản phẩm tiềm năng OCOP như hoa lan, hoa mai vàng, dừa bonsai, cá cảnh… có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng.

Xuất khẩu thành công bột rau OCOP sang nhiều nước, chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi), cho rằng việc đưa sản phẩm lên sàn khiến khách hàng đã sử dụng các loại bột rau của công ty dễ dàng ngồi tại nhà, chọn mua và được giao tận nơi. 

Cũng nhờ TMĐT, công ty tiếp cận được thêm nhiều khách hàng mới từ khắp cả nước. Ngoài kết nối đưa sản phẩm lên sàn, công ty của chị Hương cũng vận hành bán hàng qua website, livestream để gia tăng doanh số.

Sản phẩm OCOP hút khách nhờ “lên sàn”  - Ảnh 1.

Các sản phẩm bột rau OCOP 4 sao của Công ty Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi) cũng đã lên các sàn TMĐT. Ảnh: Hồng Phúc

Lãnh đạo TP.HCM đề nghị đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm trong đó có sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, trực tiếp để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng.

Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi hầu như đã phủ đầy đủ các sàn TMĐT. Các sàn cũng hỗ trợ nhiệt tình doanh nghiệp khởi nghiệp với những sản phẩm chất lượng. Kênh TMĐT giúp chúng tôi tiếp cận tệp khách hàng mới, nhất là tại khu vực đô thị". 

Trên sàn TMĐT chuyên về nông sản Foodmap, sản phẩm mật dừa nước đạt chuẩn OCOP 4 sao và đường dừa nước (sản phẩm mới của Vietnipa) xuất hiện trong "khu vực" đặc sản vùng miền. Nhiều khách hàng để lại đánh giá tích cực về chất lượng mật dừa nước cũng như tốc độ giao hàng nhanh. Chất lượng và giao hàng là hai tiêu chí quan trọng, được khách hàng tham khảo khi mua sắm qua kênh TMĐT.

Tạo điều kiện đưa lên sàn

Khảo sát trên các sàn TMĐT lớn hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của TP.HCM, nhất là các sản phẩm chế biến sâu làm gia tăng giá trị nông sản đã "lên sàn" khá nhiều. Đại diện các sàn như Shopee, Lazada, Tiki, Foodmap… cũng cho biết hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP, đưa sản phẩm lên sàn đang được đẩy mạnh nhằm khuyến khích các nhà bán hàng mới cũng như cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam.

Theo đại diện Sở NNPTNT TP.HCM, để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, Sở cũng hỗ trợ về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, phát triển thương hiệu, ứng dụng TMĐT trong việc mở rộng thị trường, gồm xây dựng website, tập huấn, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, livestream và các nội dung ứng dụng TMĐT khác có liên quan. Các nội dung này cũng được quy định trong Đề án Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định 1943 của UBND TP.HCM ngày 8/6/2022) nhằm khuyến khích, hỗ trợ chủ thể OCOP trong giai đoạn mới.

Xác định TMĐT đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại cũng như kết nối cung cầu, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở ngành tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng TMĐT trong kết nối cung cầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bên cung, bên cầu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cả trong môi trường trực tiếp và trực tuyến. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem