Nông sản OCOP: Trái cam, cá lồng Hòa Bình bán đắt như tôm tươi, nhưng "đường đi không trải hoa hồng"

Xuân Tuấn Chủ nhật, ngày 20/11/2022 16:43 PM (GMT+7)
Chương trình mỗi xã môt sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hòa Bình đã khơi dậy được tiềm năng trong sản xuất nông sản, trong đó có sản phẩm trái cam, cá lồng. Tuy nhiên làm gì để nông sản đất Mường vươn xa hơn vẫn còn là bài toán nan giải.
Bình luận 0

Trước thực trạng này, ngày 17/11, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đã tổ chức tọa đàm khuyến nông chủ đề: Giải pháp phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tham gia buổi tọa đàm có các HTX nông nghiệp cùng 160 nông dân tiêu biểu trong tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP khu vực trung du, miền núi phía Bắc năm 2022 tổ chức tại Hòa Bình.

Mỗi xã một sản phẩm nở rộ khắp đất Mường

Theo ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, năm 2022, ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tập trung đẩy mạnh việc phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng cao, sản phẩm OCOP để phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, hoạt động này đã có những chuyển biến rất tích cực, giá trị, giá bán các loại nông sản không ngừng tăng lên, giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Gắn sao cho nông sản đất Mường, cam và cá bán đắt như tôm tươi  - Ảnh 1.

Năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã đã công nhận 123 sản phẩm OCOP. Đây là những sản phẩm mang bản sắc riêng của đất Mường.

Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh Hòa Bình đã trồng được trên 9.600 ha, sản lượng dự kiến hơn 166.000 tấn. Nhiều cây trồng mới có giá trị kinh tế cao đã và đang từng bước được mở rộng và phát triển như cây cà gai xanh... Để nâng tầm cho sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Hòa Bình cũng đã thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm thiết yếu như cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy, cá lòng hồ sông Đà… đã đươc người tiêu dùng đón nhận. Năm 2022 tỉnh Hòa Bình có thêm 23 sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP  toàn tỉnh lên 123 sản phẩm.

Nhờ việc được gắn sao cho sản phẩm mà nhiều mặt hàng của Hòa Bình như cam Cao Phong, cá lòng hồ sông Đà, củ cải đường Hàn Quốc ... bán rất chạy. Theo chia sẻ của những đơn vị sản xuất, gắn sao cho sản phẩm đã giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm. Từ quy trình sản xuất đến việc truy xuất nguồn gốc được minh bạch.

Gắn sao cho nông sản đất Mường, cam và cá bán đắt như tôm tươi  - Ảnh 2.

Sản phẩm cam của HTX 3T cam Cao Phong luôn được khách hàng tin dùng. Mỗi khi HTX bán hàng trên mạng, sản phẩm được công nhận OCOP này chốt được cả cả trăm đơn hàng. Sản phẩm cam của HTX cũng đươc gắn sao khẳng định chất lượng.

"Về xuất khẩu, hiện tại Hòa Bình đã có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đi thị trường các nước như nhãn, mía, chuối... Dự báo, năm nay tỉnh sẽ có trên 1.000 tấn nông sản xuất khẩu đi thị trường các nước, trong đó có những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc...", ông Hùng cho biết.

Sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP, nhưng để duy trì và tiêu thu sản phẩm vẫn còn mối lo lớn của nhiều đơn vị sản xuất. Phát biểu tại hội nghị, đại diện HTX nông nghiệp dịch vụ Sơn Thủy lo lắng, năm 2022 được sự giúp đỡ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng với Ủy ban nhân dân huyện Hợp tác xã đã xuất khẩu những tấn nhãn đầu tiên đi Châu Âu đây là khởi đầu cho nhãn quả tươi của Hợp tác xã Sơn Thủy. Tuy nhiên số lượng quả đạt tiêu chuẩn chưa nhiều nên cả năm chỉ đủ xuất một đợt duy nhất để thăm dò thị trường, số hộ đăng ký bán cho năm sau cũng còn khiêm tốn.

Nâng cao mẫu mã và chất lương sản phẩm 

 Hiện nay, Hòa Bình đã công nhận cho 123 sản phẩm ở các địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP. Hầu như ở huyện nào cũng có sản phẩm được chứng nhận. Vấn đề lớn nhất đối với sản phẩm nông nghiệp là phải tìm được đầu ra. Đây là bài toán nan giải đối với các sản phẩm OCOP. Hầu hết các sản phẩm này tiêu thụ nội địa với sản lượng còn rất hạn chế. Đặc biệt là 2 sản phẩm cam và bưởi. Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có gần10.000ha cam, bưởi, mỗi năm cho ra đời trên chục vạn tấn. Trong khi đó, việc chế biến 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh Hòa Bình gần như chưa có nhà máy chế biến nào. Ở Cao Phong cũng có HTX đã manh nha chế biến nước cam, rượu cam, nhưng mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chứ chưa thể nhân rộng ra toàn tỉnh.

Gắn sao cho nông sản đất Mường, cam và cá bán đắt như tôm tươi  - Ảnh 3.

Nhiều sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong viêc tiêu thụ.

Phát triển sản phẩm chất lượng, gắn cho các giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn là cần thiết, nhưng hơn bao giờ hết, người nông dân cần nhất là phải bán được sản phẩm và được giá. Trong 2 năm trở lại đây, một số mặt hàng của Hòa Bình đã xuất khẩu được như mía Tân Lạc, chè sông Bôi và nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi). Đây là một tin vui đối với người nông dân đất Mường. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn chiếm khá khiêm tốn, hay nói chính xác hơn là không đáng kể so với sản lương thực tế.

Vậy vấn đề tiêu thụ nông sản của đất Mương gặp vướng mắc ở đâu? Thực tế các vùng sản xuất chưa được quy hoạch bài bản, người dân còn chạy theo phong trào. Cây nào có giá là đổ xô vào trồng cây đó. Rất ít vùng của Hòa Bình thỏa mãn được các tiêu chuẩn về hàng hóa mà đối tác đặt ra.

Gắn sao cho nông sản đất Mường, cam và cá bán đắt như tôm tươi  - Ảnh 4.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình đã bước đầu khẳng định đươc vị thế trên thị trường. Tuy nhiên để những sản phẩm này tiêu thụ được số lượng lớn vẫn còn cả hành trình gian nan.

Tiềm năng về sản xuất các mặt hàng nông sản của Hòa Bình là rất lớn, vậy làm sao thúc đẩy và biến tiềm năng này thành hiện thực mới là vấn đề đáng bàn. Vấn đề quy hoạch vùng trồng là vô cùng cần thiết. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường, liên kết doanh nghiệp – nông dân – nhà phân phối cần được làm chặt chẽ. Muốn vậy, các địa phương cần có sự quản lý chặt chẽ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất mới hy vọng có được sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm cũng như sản lượng.

Gắn sao cho nông sản đất Mường, cam và cá bán đắt như tôm tươi  - Ảnh 5.

Nhiều nông dân ở tỉnh Hòa Bình đã mạnh dạn áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Một vấn đề nữa đặt ra trong các sản phẩm OCOP của Hòa Bình, các địa phương mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng. Đơn cử như mặt hàng cam Cao Phong rất nổi tiếng. Tuy nhiên, để gom đủ một container chở vào Sài Gòn tiêu thụ lại gặp vô vàn khó khăn. Cái khó là chất lượng của sản phẩm chưa đồng đều. Trong một vườn cam, có cây chất lượng, cây lại cho quả chua. Do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, nên các nhà phân phối gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, UBND tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất cho các chủ thể, cũng như cán bộ thực hiện chương trình OCOP các cấp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử (Portmart.vn, voso.vn, sendo.vn). Trong thời gian qua, đã có 929 tổ chức, cá nhân tham gia tiêu thụ sản phẩm trên sản thương mại điện tử; tiêu thụ được 2,5 tấn Nhãn Sơn Thủy, 3,7 tấn Na Đồng Bong, 3,000 tấn Thanh Long ruột đỏ, 3,5 tấn Bưởi da danh, 27,4 tấn Cam. Ngoài ra Bưu điện tỉnh Hòa Bình tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản từ công ty Cổ phần Kim Bôi; Hộ SXNN Chiến Thọ (Kỳ Sơn); Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam...

"Việc phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ nông sản là một hướng đi đang được nhiều đơn vị quan tâm thực hiện, đồng thời đây cũng được cho là xu thế tất yếu trong tương lai, nhằm hạn chế việc lệ thuộc vào một hoặc một số kênh tiêu thụ, giảm rủi ro, nâng cao giá trị nông sản", ông Hùng cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem