Sản phẩm OCOP huyện miền núi Tánh Linh được người tiêu dùng thành phố tin tưởng sử dụng
Sản phẩm OCOP huyện miền núi Tánh Linh được người tiêu dùng thành phố tin tưởng sử dụng
Bùi Phụ
Thứ hai, ngày 03/06/2024 18:57 PM (GMT+7)
Ngày 3/6, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND huyện Tánh Linh (Bình Thuận) cho biết, huyện vừa tổ chức cuộc họp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Tánh Linh (đợt 1) năm 2024 và có thêm những sản phẩm OCOP mới...
Tham dự buổi họp có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường và các phòng ban của huyện Tánh Linh, đại diện lãnh đạo UBND các xã Đức Thuận, Đức Bình, Đức Phú, Gia An…
Theo UBND huyện Tánh Linh, tổng số sản phẩm tham dự đánh giá phân hạng OCOP là 6 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm gạo (gạo ST 25, gạo lức ST 25), 3 sản phẩm yến sào tinh chế (yến sào Hồng Duyên, yến sào Tâm Liên, yến sào Thiên Thanh) và một sản phẩm sầu riêng (tổ hợp tác xã Đức Phú).
Số sản phẩm được phân hạng 3 sao là 4 sản phẩm gồm 3 yến sào tinh chế (yến sào Hồng Duyên, yến sào Tâm Liên, yến sào Thiên Thanh) và 1 sầu riêng (tổ hợp tác xã Đức Phú).
Hai sản phẩm gạo của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Đức Bình (HTX Đức Bình) có số điểm phù hợp với phân hạng 4 sao sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình lên Hội đồng cấp tỉnh để tiếp tục đánh giá phân hạng phù hợp.
Chiều 3/6, trao đổi với Dân Việt, đại diện HTX Đức Bình bày tỏ sự vui mừng khi biết sản phẩm gạo ST 25 của gia đình đạt sản phẩm OCOP 4 sao.
Được biết, nông dân Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Đức Bình (Tánh Linh) là một trong những người đầu tiên áp dụng giống lúa mới ST sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên vùng miền núi Tánh Linh.
Ông Đức cho biết, cánh đồng lúa hữu cơ của gia đình gần Đập dâng Tà Pao, nằm bên nhánh nhỏ của dòng sông La Ngà nên lúa phát triển rất tốt. Theo ông Đức, để có hạt gạo ngọn, ngay từ khi chọn lúa giống tốt đưa vào gieo sạ trên cánh đồng, các xã viên phải tuân thủ nghiêm ngặt khâu chăm bón. Đặc biệt là dùng phân hữu cơ từ nguồn phân chuồng chăn nuôi heo, bò trong các hộ xã viên, hoặc mua thêm bên ngoài về tập kết ủ một thời gian "chín mùi". Sau đó mới đưa vào bón cho cây lúa qua từng giai đoạn làm đòng, ngậm hạt…
"Chăm bón theo cách này, cây lúa phát triển hơi chậm hơn phân bón hóa học, nhưng khi kết tinh, hạt sẽ chắc, căng đầy… Sau khi thu hoạch và chế biến gạo trắng như sữa, có mùi thơm nhẹ. Nếu nấu cơm sẽ dẻo, thơm ngon. Chính cái ngon độc đáo này, không chỉ người dân trong tỉnh Bình Thuận, mà người tiêu dùng trên cả nước và nước ngoài đều ưa thích nhãn gạo Đức Lan. Vì vậy gia đình tôi làm ra không đủ bán…", ông Đức chia sẻ.
Hiện tại gia đình ông Đức bán mỗi ký gạo ST 25 khoảng 32.000đ/kg và người tiêu dùng phố thị rất thích ăn. Từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình ông đóng gói và giao khoảng hơn 50 tấn gạo hữu cơ cho khách hàng trong tỉnh và TP.HCM và cả nước ngoài. Mỗi bịch 5kg, có logo Gạo Tánh Linh trên bao bì với các giống lúa OM 18 - ST 25…
Cũng theo ông Đức, HTX Đức Bình hiện có gần 20 thành viên là nông dân ở xã Đức Bình cùng tham gia "dồn điền" với diện tích hơn 20 ha, sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp giấy chứng nhận "Gạo Đức Lan". Sản phẩm gạo này nằm trong thương hiệu, chỉ dẫn địa lý "Gạo Tánh Linh".
Chị Thanh Ngà ở TP. Thủ Đức ( TP.HCM) cho biết, trong một lần nghe người bạn giớ thiệu và chị đã đặt hàng gạo ST 25 Đức Lan ăn thủ cho biết. Không ngờ chưa đến 4 ngày gia đình chị đã nhận được bịch gạo ST 25 5k do nhân viên bưu điện mang lại.
"Khi nấu lên cơm rất thơm, mềm, dẻo cả nhà tôi ăn ai cũng khen và từ đó đến nay gia đình tôi đặc thường xuyên và trung bình mỗi tháng 15 ký gạo ST 25 của Đức Lan…", chị Thanh Ngà chia sẻ
Phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Nói về hướng tương lai của hàng OCOP miền núi Tánh Linh, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh(Bình Thuận) cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai trên địa bàn Tánh Linh thời gian qua với mục đích hướng tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Qua đó nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện có hiệu quả theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Phước, huyện Tánh Linh sẽ phấn đấu có thêm từ 15 - 19 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên và để làm được việc này, huyện sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, hỗ trợ, tư vấn đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực, công nhận, nâng hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng.
Huyện sẽ phối hợp tổ chức cho chủ thể, cán bộ quản lý tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình nổi bật trong triển khai Chương trình OCOP như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, quảng bá xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…
Để các sản phẩm, đặc biệt là hàng hóa có lợi thế của huyện miền núi Tánh Linh đạt OCOP, các cơ quan chuyên môn huyện thời gian qua đã tích cực vận động người dân, doanh nghiệp cùng tham gia chương trình.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, sắp tới Tánh Linh sẽ tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa cho các sản phẩm đạt sao OCOP. Đặc biệt là kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa để người dân cùng có lợi…
"Huyện Tánh Linh chú trọng đến tập trung xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá thương hiệu. Bằng mọi giá phải tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu sản phẩm OCOP và tiêu thụ nông sản cho nông dân…", ông Nguyễn Hữu Phước thông tin.
Nông sản miền núi là một lợi thế để đưa lên sàn thương mai điện tử 3 tỉnh
Nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện miền núi Tánh Linh được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và huyện, có thể kể đến: Gạo Đức Lan, chả cá thát lát, thịt thỏ sấy gác bếp, tinh bột nghệ Đông Đan, các sản phẩm từ ớt…
Đợt 1 năm 2024 có một số sản phẩm như gạo ST 25, yến sào tinh chế, sầu riêng của một tổ hợp tác trên địa bàn huyện.
Với việc triển khai Chương trình OCOP vừa qua và sắp tới, UBND huyện Tánh Linh yêu cầu cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã - thị trấn trên địa bàn huyện xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong phát triển kinh tế, trọng tâm là khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
UBND huyện Tánh Linh đã phối hợp, tổ chức cho chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và hỗ đăng ký tham gia và đào tạo mã QR trên sản phẩm của đơn vị tại địa chỉ
http://truyxuatsanphambinhthuan.vn ; tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử: Sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng, sàn hợp nhất sanviet.vn, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Postmart...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.