Trạm y tế xã, phường bị... chêChị Nguyễn Thu Thủy ở thôn Hồng Thạch (xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) sắp sinh con thứ hai. Bé đầu lòng, chị sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng dù nhà chị ngay gần trạm y tế xã, có phòng đẻ khá hiện đại. Với bé thứ 2, chị cũng từ chối tới trạm y tế xã.
Phòng đẻ của Trạm y tế thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa, Quảng Bình) được đầu tư khang trang nhưng không ai đến sinh.
Ngay từ khi vợ mang thai, vợ chồng anh Vũ Trọng Hòa (ở Núi Đối, huyện Kiến Thụy) đã lựa chọn Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thay vì sinh ở bệnh viện tuyến huyện. Anh Hòa chia sẻ: Quá trình khám định kỳ đến lúc vào phòng chờ sinh, vợ anh vẫn được chỉ định sẽ sinh thường. Tuy nhiên, sự cố xảy ra bất ngờ khi cổ tử cung mở được 4cm mà không có cơn đẻ, bác sĩ phải chuyển hướng mổ. Thực sự nếu ở bệnh viện tuyến dưới, tôi không dám tin vợ mình có thể qua được khi có tình huống bất ngờ xảy đến...
“Không muốn đẻ ở trạm y tế xã, phường” hầu như là tâm lý chung của các sản phụ. “Hiện nay, điều kiện kinh tế khá hơn, mỗi gia đình chỉ đẻ 1 - 2 con nên sẵn sàng chi “nặng tay” để sản phụ và trẻ sơ sinh được cung cấp các điều kiện, dịch vụ sản khoa tốt nhất” - y sĩ Vũ Thị Tuyết, hộ sinh Trạm Y tế xã Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên chia sẻ.
Cũng vì thế, vắng sản phụ là thực trạng chung ở các trạm y tế xã, dù có những trạm y tế được trang bị đầy đủ kỹ thuật và chuyên môn, “đủ sức” đáp ứng yêu cầu của sản phụ nhưng cũng không có mấy sản phụ đến sinh con. Ví dụ như huyện An Lão có Trạm Y tế xã Quốc Tuấn và Trạm Y tế xã Quang Trung đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2012, nhưng số người đến sinh con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bác sĩ Vũ Văn Nội -Trưởng Trạm Y tế xã Quốc Tuấn cho biết: “Trạm y tế xã có một bác sĩ chuyên khoa 1, 4 y sĩ, 1 y tá nhưng cả năm chỉ có khoảng 10 người đến sinh và hầu hết là những ca sinh dễ hoặc không kịp đi viện mới sinh ở xã”.
Thực trạng này cũng tương tự ở Quảng Bình. Theo khảo sát của phóng viên NTNN, nhiều trạm y tế tuyến xã ở Quảng Bình được đầu tư khang trang, có đầy đủ các phòng chức năng như: Phòng khám bệnh, kho dược, phòng sơ cứu, cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng khám phụ khoa, phòng tiêm, phòng trực và tất nhiên là không thiếu phòng đẻ.
Tại Trạm Y tế thị trấn Quy Đạt (Minh Hoá), phòng đẻ được đầu tư khá khang trang nhưng từ đầu năm tới nay vẫn chưa tiếp nhận được ca nào đến sinh. Bác sĩ Đinh Viễn Anh – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hoá cho biết, hiện mỗi ngày bệnh viện đón nhận hàng chục sản phụ vào sinh. Các sản phụ ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, trong đó có những xã rất xa như Dân Hoá, Trọng Hoá…
Theo bác sĩ Anh, hầu hết các sản phụ được hỏi đều cho rằng, dù đường xa nhưng khi về bệnh viện sinh con họ sẽ yên tâm hơn. Không chỉ ở huyện miền núi Minh Hoá, ở các huyện đồng bằng như Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh… sản phụ đều tìm về các bệnh viện để sinh, thậm chí tìm về Bệnh viện Việt Nam – Cuba (bệnh viện tỉnh) để sinh cho an toàn.
Cần cân nhắc khi đầu tưCó thể nói, trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã rất quan tâm đầu tư đến mạng lưới y tế cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 159/159 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ (145 bác sĩ thuộc biên chế của các trạm, số còn lại là bác sĩ tăng cường theo Đề án 1816) và 1.252 nhân viên y tế thôn bản. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm y tế từng bước được đầu tư… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nhiều trạm y tế, đặc biệt là những trạm y tế đặt ở các xã, thị trấn gần trung tâm huyện, hầu như bỏ không, gây lãng phí.
"Năm 2013 có 96 bà bầu nhưng cũng chỉ có 4 ca chọn sinh ở trạm. Những ca sinh tại trạm thường là sinh con rạ, sinh dễ hoặc không kịp đi viện. Vài tháng mới có một ca sinh, dần dần có khi quên mất nghề”. Y sĩ Vũ Thị Tuyết - hộ sinh Trạm Y tế xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên
|
Theo bác sĩ Đinh Thị Châu - Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Quy Đạt, với một phòng đẻ, chỉ tính riêng dụng cụ y tế cơ bản đã được đầu tư hàng chục triệu đồng. “Theo quy định về chuẩn y tế, các trạm y tế đều phải có các phòng chức năng và dụng cụ y tế, máy móc cơ bản phục vụ cho bệnh nhân. Thế nhưng đầu tư rồi để không, trang thiết bị y tế để không nhìn cũng thấy xót lắm” – bác sĩ Châu chia sẻ.
Tại Hải Phòng, theo chức năng, trạm y tế được khám, quản lý thai và đỡ đẻ cho những ca sinh thường. Gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu, cơ bản tại mỗi trạm y tế gồm 5 loại dịch vụ. Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Sở Y tế Hải Phòng cho thấy, trong số 225 trạm y tế xã phường thì có tới 65% cung cấp đủ 5 gói loại dịch vụ cấp cứu sản khoa. Việc đỡ đẻ tại các trạm y tế chủ yếu do các nữ hộ sinh thực hiện. “Có lẽ vậy mà người dân chưa thực sự tin tưởng vào tay nghề của các nữ hộ sinh ở trạm y tế...”- bác sĩ Nguyễn Đình Cường - Trưởng Trạm Y tế xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, nói
Bác sĩ Cường chia sẻ thêm: Ngũ Phúc là xã nghèo nhất huyện và cũng là xa nhất huyện. Có những ca sản phụ đẻ thường, các nữ hộ sinh ở trạm y tế xã thực hiện tốt, nhưng không ít người vẫn e ngại, thiếu an tâm nên hiệu suất sinh ở đây đạt thấp (năm 2012, có hơn chục ca sinh). Khá hơn chút, Trạm Y tế xã Tân Viên (huyện An Lão) thống kê được 20 ca sinh năm 2012, chiếm 5% số ca sinh của toàn xã. Tính trung bình mỗi tháng chỉ có 1-2 ca sinh nên nhiều khi chính cán bộ xã cũng đùa là “thiết bị gỉ mốc hết”.
Phan Phương - Trần Phượng (Phan Phương - Trần Phượng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.