Sàn Postmart.vn - Lối ra cho nông sản Việt (bài 2): 5 triệu hộ nông dân sẽ bán hàng trên chợ "ảo"

Nguyên An Thứ năm, ngày 26/08/2021 07:00 AM (GMT+7)
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít hộ dân đã chủ động thay đổi hình thức kinh doanh, hướng đến giải pháp tiêu thụ nông sản hữu hiệu cho gia đình thông qua sàn thương mại điện tử.
Bình luận 0

Mua sắm trực tuyến là xu hướng tất yếu

Vòng xoáy Covid-19 đa phần là "ác mộng" đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới, nhưng với thương mại điện tử nó lại trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực này, khi mua sắm trực tyến đã thực sự "lên ngôi" đối với nhiều người.

Sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, chính sách giãn cách xã hội của các quốc gia đã lập tức làm thay đổi những thói quen mua hàng truyền thống của rất nhiều người. 

Theo báo cáo của Facebook cuối tháng 6/2021, 81% người tiêu dùng cho biết họ đã thay đổi thói quen mua sắm từ khi đại dịch bùng phát. Trong đó phần đông nói rằng sẽ tiếp tục thay đổi hình thức mua hàng dù còn dịch bệnh hay không.

BÀI 2: Tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Mua, bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử hiện nay mới đang dần quen thuộc với phần đông giới trẻ. Ảnh: CTV.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mua sắm trực tuyến giờ đây không phải một phương thức tạm thời đối phó với dịch bệnh mà đang dần chiếm ưu thế và là xu hướng mua sắm hiện đại, thông minh của người tiêu dùng quốc tế và Việt Nam. 

 Xu hướng mua sắm trực tuyến dự đoán sẽ không dừng lại sau khi Covid-19 kết thúc mà sẽ trở thành cột mốc mới cho biên giới của ngành thương mại điện tử.

Các mặt hàng cũng sẽ không chỉ dừng lại ở một số ngành hàng dễ bảo quản, dễ vận chuyển như: điện tử, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, sách… mà sẽ đa dạng hóa các mặt hàng tươi sống.

Thực tế các loại nông sản, trái cây đang được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử lớn hiện nay tại Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Năm 2021 đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong tình hình dịch bệnh phức tạp, sức tiêu thụ của nhiều loại nông sản trong nước đang bị chững lại, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết với mục tiêu hỗ trợ các phát triển sản phẩm Việt, hàng hoá của doanh nghiệp Việt trên các sàn thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam để xây dựng và phát triển "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" trên các sàn thương mại điện tử. 

Hiện chương trình đang được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước và tiếp tục mở rộng ra các sàn thương mại điện tử lớn như: Postmart, Sendo, Tiki, Voso, Shopee, Lazada. 

Hàng nghìn lượt doanh nghiệp đã được tiếp cận và phổ biến về chương trình, với hàng trăm sản phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng đã được đưa lên các gian hàng trực tuyến.

Đặc biệt mới đây, để giúp cho các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ nông sản hiệu quả, đồng thời mở rộng tiếp cận thị trường, thúc đẩy kế hoạch sản xuất kinh doanh cả trong và sau dịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 1034/QĐ-BTTT (kế hoạch 1034) về việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Bộ TTTT sẽ chủ trì tập trung hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, hai doanh nghiệp bưu chính lớn của Nhà nước được lựa chọn để tham gia chính vào việc triển khai kế hoạch là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Tổng Công ty ViettelPost với voso.vn.

BÀI 2: Tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Nhân viên bưu điện trực tiếp xuống các nhà vườn hướng dẫn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: CTV.

"Cố gắng hết năm 2021 đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử của Ngành TTTT được kì vọng là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ bà con nông dân trên cả nước tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản", ông Tuấn cho biết.

Chương trình đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn sẽ tập trung hướng dẫn, đào tạo kỹ hoạt động trên môi trường số cho nông dân từ việc tạo tài khoản, thanh toán đến đóng gói, giao nhận… 

Đặc biệt, nông dân sẽ được 2 sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với thương hiệu từng hộ gia đình.

Ngoài ra, trong tương lai các sàn thương mại điện tử này sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, thông tin về dự báo thị trường, cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu của các hộ sản xuất nông nghiệp ngay tại các sàn.

Để hiện thực hóa mục tiêu hết năm 2021 đưa khoảng 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn Postmart.vn và Voso, 2 đơn vị đang đẩy mạnh hướng dẫn hỗ trợ người dân tại các tỉnh phía Nam đảm bảo luồng lưu thông hàng hóa ổn định, tăng cường tiêu thụ các loại trái cây có sản lượng lớn như: nhãn Đồng Tháp, nhãn An Giang, khoai lang tím Vĩnh Long, na Tây Ninh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem