Sắn ùn ứ trước nhà máy
Sáng 27.9, hàng chục xe chở sắn về nhập cho Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên - Huế (Phong An, Phong Điền) bị ùn ứ trên Quốc lộ 1A đoạn trước cổng nhà máy. Lực lượng CSGT huyện Phong Điền phải cắt cử lực lượng túc trực tại đoạn đường này để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Anh Đỗ Ngọc Lộc - người chở sắn từ xã Phong Xuân vào nhập cho nhà máy, cho biết, anh phải đợi đến 2 ngày mới nhập được sắn.
|
Người dân xã Phong An thu hoạch sắn chạy lũ để bán với giá rẻ mạt. |
Ông Nguyễn Chánh Trực (thôn Đồng Lâm, xã Phong An) chở xe sắn đầy ứ đến nhà máy từ tờ mờ sáng 27.9, nhưng đến trưa cùng ngày vẫn phải đứng chờ ngoài cổng. Ông Trực cho biết, gia đình ông trồng tổng cộng 1 mẫu sắn, nhưng đến nay mới chỉ nhập cho nhà máy được 2 sào. "Mỗi ngày chờ dài cổ mới nhập được xe sắn. Với đà này thì vài ngày nữa là sắn của gia đình tui bị thối sạch do đã ngập úng"- ông Trực lo lắng.
Theo ông Nguyễn Văn Cho - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, toàn huyện có tới 300ha sắn chưa thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 6.000 tấn. Trong khi đó, công suất kho chứa của Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên - Huế chỉ gần 1.500 tấn. Đây là nguyên nhân khiến người trồng sắn ở huyện chở hàng đến nhập cho nhà máy phải đứng chờ thời gian dài. Sắn ùn ứ khiến tiến độ thu hoạch của người dân bị chậm, nhiều diện tích hư hỏng do ngập úng.
Theo tìm hiểu của NTNN, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 7.500ha sắn nguyên liệu, nhưng đến nay chỉ mới có khoảng 10% diện tích được thu hoạch. Ngoài Phong Điền, sắn tập trung nhiều ở các huyện Nam Đông, A Lưới, Hương Trà. Hầu hết sản lượng sắn trên địa bàn đều được nhập cho Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên - Huế. Trước tình trạng mưa lũ làm ngập úng, người dân buộc phải thu hoạch sắn nhưng do công suất của nhà máy thu mua không lớn khiến một lượng sắn khổng lồ bị ùn ứ và hư hỏng.
Dân bị ép giá ?
Ông Nguyễn Đắc Tý (thôn Đồng Lâm, xã Phong An) cho biết, lợi dụng việc người dân ồ ạt đến nhập sắn, Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên - Huế đã hạ giá thu mua. "Cách đây 1 tháng, 1kg sắn tươi có giá 1.700 đồng, nhưng hiện nay họ giảm còn 1.300 đồng. Trong khi năm 2010 1kg sắn có giá 2.200 đồng/kg"- ông Tý bức xúc. Theo ông Tý, sở dĩ người trồng sắn bị ép giá là do Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên - Huế gần như là nơi nhập sắn duy nhất trên địa bàn, nên người dân không có nhiều lựa chọn.
Năm 2010, khi sắn tươi nguyên liệu được thu mua với giá 2.200 đồng/kg, rất nhiều hộ dân ở Thừa Thiên - Huế đổ xô chặt bỏ các cây trồng khác, nhất là cây keo, để trồng sắn.
Nhiều nông dân khác buồn bã nói rằng, hiện là thời điểm mưa lũ, nhà máy mua giá bao nhiêu thì dân phải bán bấy nhiêu. Vì nếu không bán thì sắn sẽ bị hư hỏng do thối rữa, dẫn đến nhà nông trắng tay. "Với giá thu mua hiện nay của nhà máy, người trồng sắn lỗ nặng do chi phí trồng, chăm sóc, vận chuyển cao hơn mọi năm nhưng giá sắn bán ra lại thấp hơn nhiều"- anh Bình kể.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên - Huế, cho biết, vì lượng sắn người dân chở về nhập quá lớn nên những ngày qua nhà máy phải tiến hành thu mua từ 7 giờ đến 21 giờ. Hiện mỗi ngày nhà máy thu mua từ 500-600 tấn sắn.
Về tình trạng giá thu mua sắn xuống thấp hơn nhiều so với năm 2010, ông Hưng giải thích là do năm trước… giá cao đột biến. Ông Hưng cũng nói rằng không có chuyện nhà máy lợi dụng mưa lũ để ép giá đối với người dân (?!).
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.