Sản xuất khẩu trang y tế kém chất lượng giữa dịch Covid-19, xử lý thế nào?

Vũ Hiếu Chủ nhật, ngày 15/03/2020 08:45 AM (GMT+7)
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh vừa liên tiếp kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế kém chất lượng. Việc này sẽ bị xử lý như thế nào? Tại sao các đối tượng vẫn liên tiếp sản xuất khẩu trang kém chất lượng để tung ra thị trường trong thời gian dịch Covid-19?
Bình luận 0

Cụ thể, ngày 12.3, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an và Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra 2 cơ sở bán và sản xuất khẩu trang y tế kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nghi vấn đã qua sử dụng tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình.

img

Lê Văn Việt làm việc với cơ quan công an. Ảnh: Công an Bắc Ninh

Tại nhà của Lê Văn Việt (27 tuổi, tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai) lực lượng công an thu giữ 3 thùng bên trong có chứa khoảng 7.500 khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ và 70 kg khẩu trang các loại chưa hoàn thiện, 3 súng bắn keo, 10 thanh nến dùng để dán dây khẩu trang.

Tiếp tục kiểm tra nhà Lê Thị Kiên (51 tuổi ở cùng thôn) phát hiện 2.500 khẩu trang y tế kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bước đầu hai đối tượng khai nhận đã thu mua nhỏ lẻ số khẩu trang y tế chưa hoàn thiện trên tại các cơ sở sản xuất trong thôn Xuân Lai để gia công lại và đóng gói bán ra thị trường. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

Hiện nay chế tài xử phạt hành vi sản xuất khẩu trang y tế kém chất lượng bị xử lý như thế nào? Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Quốc Tuấn để rõ hơn các vấn đề pháp lý xung quanh việc xử lý hành vi sản xuất khẩu trang y tế kém chất lượng.

img

Số khẩu trang y tế kém chất lượng đang được gia công.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sưTP Hồ Chí Minh: "Chúng ta phải hiểu rằng gia công sản xuất khẩu trang y tế có nghĩa là cá nhân sản xuất hoặc nhặt, gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để bán lại cho tổ chức, cá nhân khác nhưng gian dối là hàng công ty, hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng. Người vi phạm có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2019 nếu số tiền chiếm đoạt được từ 2 triệu đồng trở lên".

Theo vị luật sư, trong trường hợp số tiền chiếm đoạt do hành vi gian dối này dưới 2 triệu thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cơ quan chức năng tịch thu tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có.

Trường hợp 2 cơ sở trên bán khẩu trang y tế đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng giả.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối người tiêu dùng (nếu hành vi lừa dối khách hàng chiếm đoạt từ 5 triệu đồng trở lên).

img

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sưTP Hồ Chí Minh.

"Đây là hành vi rất nghiêm trọng, có thể làm lây lan nhiều loại dịch bệnh trong cộng đồng, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

Như vậy nếu phát hiện việc gia công sản xuất khẩu trang y tế kém chất lượng từ khẩu trang đã qua sử dụng để gian dối là khẩu trang y tế chuẩn chất lượng, bán lại cho người khác, thu lợi bất chính thì cần phải xử lý hình sự", vị luật sư phân tích.

Luật sư Tuấn còn cho biết thêm, trước tình trạng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người đã lợi dụng để tăng với giá "cắt cổ" đối với khẩu trang y tế tăng gấp 4, 5 lần so với giá thực của nó.

Khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được nhà nước định giá theo quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP.

Khoản 1 điều 11 Luật Giá 2012 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phải niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.

Xử lý hành chính:

Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Xử lý hình sự:

Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội đầu cơ:

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khi xử lý hình sự tùy theo tính chất và hành vi vi phạm sẽ có mức xử lý phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem