Sản xuất sắn làm nguyên liệu xăng sinh học: Tiến thoái lưỡng nan

Thứ năm, ngày 31/10/2013 09:11 AM (GMT+7)
Nếu hạn chế xuất khẩu sắn khô nhằm có nguyên liệu cho sản xuất xăng sinh học E5, thì hàng nghìn tấn sắn của nông dân sản xuất ra không có nơi tiêu thụ...
Bình luận 0
Còn nếu cho xuất ồ ạt sắn thì chỉ chưa đầy 2 năm tới, sẽ không còn sắn cho sản xuất xăng sinh học nữa.

Cần gần 1,5 triệu tấn sắn làm xăng sinh học

Báo cáo của Ban điều hành Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025 do Bộ Công Thương chủ trì cho biết, hiện cả nước có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (sử dụng nguyên liệu là sắn lát khô) đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt khoảng 535 triệu lít ethanol/năm.

Khi các nhà máy hoạt động đạt công suất thiết kế, sản lượng ethanol sẽ đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10, đảm bảo đủ và vượt để cung cấp cho thị trường cả nước bằng xăng E5 từ đầu năm 2013. Trong trường hợp các nhà máy chỉ hoạt động đạt 75% công suất thiết kế, tổng sản lượng ethanol nhiên liệu năm 2013 vẫn có thể đạt để phối trộn 2,26 triệu tấn xăng E5 và vẫn đảm bảo cung cấp toàn bộ xăng E5 cho nhu cầu của cả nước.

Người dân huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ trồng sắn để làm xăng sinh học nhưng không bán được.

Người dân huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ trồng sắn để làm xăng sinh học nhưng không bán được.

Các nhà máy hầu hết được xây dựng tại các vùng có nguyên liệu sắn lát khô dồi dào. Tuy nhiên, khi các nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ cần một lượng sắn lát khô nguyên liệu khoảng 1,47 triệu tấn. Bởi thế vấn đề đặt ra đối với các nhà máy là việc đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất ổn định và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Do đó, các công ty cần xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định. Hiện nay, sắn lát khô đang được xuất khẩu với số lượng khá lớn, khoảng hơn 1 triệu tấn.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nhiều nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đang khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm dẫn đến tiêu thụ sắn trong nước cũng bị vạ lây, còn người trồng sắn thì lao đao vì nhà máy ethanol. Anh Nguyễn Quang Thắng ở Khả Cửu (Thanh Sơn, Phú Thọ) là một trong nhiều người dân đã được lựa chọn tham gia dự án trồng sắn nguyên liệu phục vụ nhà máy ethanol từ năm 2011. Tuy nhiên, do đến giờ nhà máy còn chưa xây xong, nên anh và các hộ khác đành phải bán sắn cho các thương lái nhỏ lẻ.

"Gia đình tôi trồng hơn 3ha sắn, nhà máy hứa thu mua sắn ổn định với giá 1.200 đồng/kg sắn tươi. Tuy nhiên, sau đó nhà máy không thực hiện được như đã hứa, nên chúng tôi phải bán cho thương lái và bị ép giá chỉ còn 1.000 đồng/kg"-anh Thắng cho hay.

Theo như kế hoạch, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol duy nhất tại miền Bắc được đặt tại huyện Tam Nông, Phú Thọ sẽ đi vào hoạt động từ 2011, thế nhưng hơn 1 năm nay dù đã hoàn thành 90% khối lượng, nhà máy vẫn phải "đắp chiếu nằm chờ". Do dự án dừng lại nên tất cả chương trình được lên kế hoạch trước đó để phát triển vùng nhiên liệu phải thay đổi. Toàn huyện Thanh Sơn có 1.500ha sắn, nhưng từ khi có chuyện nhà máy ethanol chậm tiến độ, cây sắn càng không được coi trọng.

Sớm tháo gỡ cơ chế, chính sách...

Xăng sinh học đang được Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành loại nhiên liệu được tiêu thụ phổ biến, thay thế cho nhiên liệu truyền thống đang dần có nguy cơ cạn kiệt như hiện nay.

Tuy nhiên, cho dù có khá nhiều ưu điểm nhưng việc tiêu thụ xăng sinh học E5 (95% xăng không chì và 5% ethanol) trên thực tế đang phải đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ.

Theo ông Phạm Anh Tuấn- Phó Tổng Giám đốc PVOil, hiện các doanh nghiệp đang phải bù lỗ 250 đồng cho mỗi lít xăng E5 bán ra trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào khá cao, chi phí đầu tư lớn.

Bộ Công Thương cho biết, để thực hiện lộ trình như đã đề ra thì đến năm 2015 cần khoảng gần 4 triệu tấn sắn; năm 2020 cần khoảng 5,5 triệu tấn và đến năm 2025 cần khoảng 6,8-8,0 triệu tấn. Nếu căn cứ vào mức sản lượng sắn như hiện tại thì vào năm 2025, khi tất cả các nhà máy đều đi vào hoạt động với công suất tối đa, cả nước sẽ thiếu khoảng 2,2-2,5 triệu tấn sắn tươi nguyên liệu.

Hiện tại, cả 6 nhà máy sản xuất ethanol trong nước đang phải tạm dừng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng để chờ các cơ chế chính sách cho xăng sinh học.

Một quan chức của Bộ Công Thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn và cũng là hỗ trợ cho xăng sinh học phát triển trước hết cần có sự hỗ trợ và phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào của xăng sinh học (là sắn). Ở khâu đầu vào, Chính phủ cần hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu sắn, các chương trình thí điểm các giống sắn chất lượng cao.

Tây Ninh, Gia Lai, Bình Phước, Phú Thọ… là những vùng trồng sắn với diện tích lớn trên cả nước nhưng đều chưa theo kế hoạch cụ thể và chưa được Nhà nước bảo hộ. Một khi Nhà nước có cơ chế tín dụng cho nông dân để họ yên tâm sản xuất, không bị thương lái ép giá thì năng suất và sản lượng sẽ được cải thiện đáng kể.

Đối với các đơn vị sản xuất ethanol, do sắn là loại cây có tính mùa vụ nên muốn bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất cả năm, các DN rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước nhằm huy động nguồn vốn lưu động lớn để đầu tư vào kho chứa và các khâu thu mua, dự trữ, bảo quản.

Theo Bộ Công thương, lượng sắn xuất khẩu của cả nước tương đối lớn, nếu hạn chế xuất lúc này thì các DN trong nước cũng không thể tiêu thụ hết. Riêng năm 2013 cả nước sản xuất 3 triệu tấn sắn. Mặc dù năm nay giảm về lượng nhưng từ đầu năm đến nay cũng xuất khẩu khoảng 2,34 triệu tấn.
Mai Hương (Mai Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem