Cái hồn quê ấy được nhận diện trong hình hài của thơ ca và tiếng hát dân gian. Hãy đọc Hoàng Cầm, thi sĩ của xứ Kinh Bắc lắm mộng nhiều mơ, đa sầu, đa cảm. Cái màu ấy, cái hồn ấy đây: “Bên kia sông Đuống/Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Và đây: “Ai về bên kia sông Đuống/Có nhớ từng khuôn mặt búp sen /Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu toả nắng/Thời trẻ thơ sáng láng mộng bình yên/Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen/Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối/Những nàng dệt sợi/Đi bán lụa mầu/Những người thợ nhuộm/Đồng Tỉnh, Huê Cầu/Bây giờ đi đâu, về đâu?”.
Tôi đã gặp nhiều người xa xứ. Mỗi người là một hoàn cảnh, quan điểm về thời cuộc, về cuộc sống. Mỗi người là một bầu tâm sự khó nói ra hoặc không muốn nói ra. Tôi không kể tới những người tự đẩy mình vào chốn lưu đày bất đắc dĩ. Tôi muốn nói tới những người khác, trong hoàn cảnh khác.
Tranh đông hồ “chơi chim”. ảnh: T.L
Đó là những người, sau hàng chục lần bị bắt rồi được thả ra vẫn tìm cách di tản và cuối cùng những thuyền nhân kiên trì ấy đã đến được nơi mong muốn. Đừng nói rằng họ thất vọng, bẽ bàng vì chọn nhầm ga đến, không phải là miền đất hứa. Điều này chỉ đúng với những kẻ lười biếng hoặc bất lực. Không. Quả thật họ thành đạt, giàu có sau bao nỗ lực không tưởng tượng nổi, con cái của họ được học hành tử tế, rạng mặt xứ người. Khi nói tới quê hương họ ít nhìn thấy những mặt tích cực, những nỗi nhớ. Cũng có người nói sẽ không bao giờ về, như Victor Hugo đã từng từ chối trở lại quê hương nếu không được về với Tự do sau nhiều năm bị lưu đày.
Một cọng lá kinh giới, một nắm hoa bưởi đầu mùa hay bó ngó sen có thể mua ở quận 13 Paris hoặc Little Sai Gon ở Mỹ với giá không quá đắt. Nhưng cái gì thay thế được những bữa cơm chiều nóng vã mồ hôi vừa ăn vừa thổi trên hiên nhà, những lần ngẩn ngơ trên lối đi thơm mùi hoa bưởi cạnh bờ giếng nơi cô hàng xóm ngồi gội tóc.
|
Nhưng có điều lạ đã xảy ra. Ở nhà, tôi gặp khá nhiều người tự đứng bên lề thời cuộc. Họ chán cả đọc báo giấy lẫn báo mạng mà chỉ có một mục đích duy nhất là tìm cách kiếm tiền. Ta thường nói họ vô cảm, một căn bệnh đáng ghét khá phổ biến, không yêu, không ghét không quan tâm bất kỳ cái gì ngoài bản thân mình, con cái mình, kể cả chuyện không dừng lại cạnh một người gặp nạn dọc đường. Nhưng tôi hầu như không gặp người Việt nào vô cảm ở xứ người. Chính những người này lại tìm đủ dịp, đủ cách để nói, để nhắc tới nơi mà họ đã rời bỏ ấy. Họ có giả dối, nghĩ một đàng, nói một nẻo? Tôi nghĩ rằng không. Họ yêu ghét thật lòng và cái quan tâm đáng ngạc nhiên của họ với những gì liên quan tới quê hương cũng rất thật lòng. Nó bộc lộ một tình yêu, một nỗi buồn, nỗi nhớ thường trực, như đã trở thành tâm bệnh.
Mọi thứ có thể thay đổi với sự biến động của cuộc sống. Những gì con người đã làm ra thì có thể bị vứt vào sọt rác lịch sử như vứt một cái vỏ chanh sau khi đã vắt xong. Con người đã say mê, đã yêu thứ gì đó thì cũng có quyền ghét, chán những thứ đó. Nhưng con người không thể, dù muốn hay không, rời bỏ cái hồn của mình.
Lúc ra đi tìm đến xứ người, nhiều người thấy mình thiếu rất nhiều thứ. Thiếu tự do để sống theo ý thích, thiếu tiền, thiếu một cuộc sống giàu sang, thiếu cơ hội và cơ may để thành đạt, thậm chí thiếu sự tôn trọng trong đối xử. Cuối đời bôn ba, khi họ đã có được tất cả những thứ đó thì nhiều người mới nhận ra, ở quê hương họ thiếu rất nhiều thứ nhưng ly hương họ còn thiếu nhiều hơn- có khi là tất cả. Đó là nguồn gốc của “nỗi buồn ly hương”, căn bệnh mà nhiều người không muốn nhưng rất khó phủ nhận.
Có người đã nói thẳng với tôi: “Anh đừng chủ quan! Tôi có tự do, tôi có nhiều tiền, tôi có tất cả! Lương tôi bằng hàng chục lần lương của anh ở bên nhà. Con cái tôi học những trường tốt nhất thế giới. Kể cả một mớ rau muống, một cọng lá kinh giới tôi vẫn mua được ở Paris đây. Tôi làm gì có nỗi nhớ nhà nào”. Nhưng tôi biết họ đang xù lên, chống lại nỗi buồn xa xứ vẫn dày vò họ trong tuổi xế chiều.
Áo gấm có thể là thứ mơ ước của nhiều người, nhưng mặc áo gấm đi đêm thì chắc không ai muốn. Một cọng lá kinh giới, một nắm hoa bưởi đầu mùa hay bó ngó sen có thể mua ở quận 13 Paris hoặc Little Sai Gon ở Mỹ với giá không quá đắt. Nhưng cái gì thay thế được những bữa cơm chiều nóng vã mồ hôi vừa ăn vừa thổi trên hiên nhà, những lần ngẩn ngơ trên lối đi thơm mùi hoa bưởi cạnh bờ giếng nơi cô hàng xóm ngồi gội tóc. Và buổi trưa “không biết ở thời nào/một buổi trưa nhè nhẹ như ca dao/có cu gáy bướm vàng nữa chứ?/và đôi lứa đứng bên vườn tình tự…” (Huy Cận). Ôi, cơ man nào những thứ ta có thể thiếu trong đời tha hương!
Nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy, ông Nguyễn Cao Kỳ, nhiều nghệ sĩ và không ít người khác nữa từng thề không bao giờ về, nhưng rồi họ đã vượt qua mặc cảm và thị phi để trở về thăm hoặc sống những ngày cuối đời trên quê hương. Vì yêu nước? Vì những lý do nào khác nữa? Nhưng chắc chắn họ biết chỉ có một nơi chữa được tâm bệnh “nỗi buồn ly hương” làm đau đớn, dày vò trái tim họ đoạn cuối đời, đó chính là quê hương vì nhiều lý do khác nhau, họ đã từ bỏ từ thời trai trẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.