Sáng nay, diễn ra Lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn

Lê San Thứ bảy, ngày 08/10/2016 06:45 AM (GMT+7)
Sáng nay (8.10), tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Hà Nội), Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN tổ chức lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. 15 doanh nghiệp (DN) đầu tiên về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn sẽ tham gia đợt ký kết này, gồm đại diện 3 bên: DN- Bộ NNPTNT- Báo NTNN.
Bình luận 0

img

img

Quang cảnh Lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tại Hà Nội sáng nay (8.10). Ảnh: Đàm Duy

Lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong Chương trình truyền thông “Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch” do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN triển khai thực hiện.

img

Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam - thăm các gian hàng của các doanh nghiệp tham gia lễ ký kết, sáng nay (8.10). Ảnh: Trần Quang

Doanh nghiệp là đầu tàu

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, xác định công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, năm 2016 được xác định là năm cao điểm hành động về ATTP. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm: Tăng cường thông tin, truyền thông: Công khai vi phạm; giới thiệu quảng bá sản phẩm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm (đặc biệt là chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật); hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình chuỗi nông sản thực phẩm an toàn.

img

Sản xuất trứng gà cao cấp của Tập đoàn Dabaco Việt Nam.  Ảnh: L.H

Lễ ký cam kết chỉ là bước khởi đầu, sự đi đầu của các DN và sẽ là động lực thúc đẩy, nhân rộng đến nhiều DN, tập đoàn khác và hy vọng việc triển khai này sẽ đem lại kết quả tích cực, từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm nông sản an toàn, thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định của Luật An toàn thực phẩm”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám

Trong đó, các giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn từ người sản xuất đến người tiêu dùng có tác động bổ trợ quan trọng nhằm sớm cải thiện vệ sinh ATTP và củng cố niềm tin của người tiêu dùng. DN được xác định là đầu tàu, có vai trò quyết định trong liên kết phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn từ tổ chức liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản thực phẩm an toàn trên thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, gần đây nhiều DN lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ, Vingroup đã lập VinEco với số vốn 2.000 tỷ đồng cùng chiến lược 2 năm phấn đấu hoàn thành khoảng 300 nhà kính phát triển tập trung sản xuất rau sạch; tập trung phát triển chuỗi mặt hàng phân phối nông sản ở các vùng miền. Trong chuỗi sản phẩm về thịt lợn, gà, Tập đoàn Dabaco ở Bắc Ninh 1 năm sản xuất tới 45 triệu con giống, mỗi ngày 1 triệu trứng thương phẩm, 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch... DN đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng có thể sinh lời trong nông nghiệp.

img

“Con số DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn, nhưng tôi đánh giá rất cao khu vực các DN này. Họ vừa đóng vai trò hạt nhân, vừa là cầu nối quyết định một nền sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu” – ông Tám khẳng định.

Mang niềm tin đến người tiêu dùng 

Lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn của một số DN là tập đoàn, DN lớn có mạng lưới phân phối nhiều sản phẩm nông sản an toàn trong cả nước diễn ra đúng vào thời điểm tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao - Thực phẩm nông sản sạch 2016. Việc tổ chức lễ ký kết này chỉ là bước khởi đầu, sự đi đầu của các DN và sẽ là động lực thúc đẩy, nhân rộng đến nhiều DN, tập đoàn khác và hy vọng việc triển khai này sẽ đem lại kết quả tích cực, từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm nông sản an toàn, thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Theo số liệu tổng hợp đến tháng 9.2016: 45 địa phương đã có mô hình chuỗi hoàn chỉnh với tổng số 382 chuỗi; 92 chuỗi được cấp giấy xác nhận với các sản phẩm chính: Rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản các loại. Bộ NNPTNT đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2016, mỗi tỉnh/thành phố trên cả nước hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận.

Theo thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, việc triển khai lễ ký kết này là một sáng kiến hay. Đây là thông điệp gửi tới người tiêu dùng cũng như cam kết của DN cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khoẻ người dân, cộng đồng, đồng thời cũng là cam kết của DN liên kết bền vững người sản xuất trong tiêu thụ nông sản an toàn để sản phẩm an toàn của họ có đầu ra ổn định trên thị trường.

“Với các DN tham gia ký kết, các DN cần tuân thủ đầy đủ các quy định về ATTP, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và thực hiện đầy đủ các nội dung ký cam kết. Bộ NNPTNT sẽ đồng hành và hỗ trợ các DN thông qua triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn do DN cung ứng” – ông Tám đề nghị.

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang xây dựng chương trình để tiếp cận, tạo ra những diễn đàn với các DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, tập trung ở 3 nội dung lớn: Tập trung khai thác lợi thế của 10 sản phẩm nông sản có tính thương hiệu quốc gia từ 1 tỷ USD trở lên; tập trung vào phân khúc những sản phẩm chủ lực của tỉnh như vải thiều Lục Ngạn, nhãn Hưng Yên, các tỉnh đều có mặt hàng lợi thế riêng của mình; tập trung vào những sản phẩm mang tính chất đặc sản của từng tiểu vùng theo mô hình OCOP của Quảng Ninh, mỗi làng một sản phẩm – một chương trình mới thực hiện được 3 năm, nhưng hiện nay đã có hơn 100 DN ra đời ở khu vực đó, hơn 100 hợp tác xã kiểu mới, tạo ra hơn 238 sản phẩm có thương hiệu hàng hóa, tiêu thụ trên thị trường rất tốt.

Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Phó Hội NDVN: Hội ND sẵn sàng làm cầu nối cho doanh nghiệp và nông dân

img

Hiện nay, người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, bởi nông dân không được quyết định trong các khâu vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phân phối sản phẩm. Chính vì thế, với việc 15 doanh nghiệp tham gia ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn lần này, chúng tôi hi vọng sẽ tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất nông sản từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế.

Việc ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đợt này không chỉ là sản phẩm của 15 doanh nghiệp, mà còn hướng tới việc làm sao để các hộ nông dân cũng được tham gia trong chuỗi cung ứng đó. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình tổ chức theo Hợp tác xã hoặc nhóm hộ, tổ hợp tác… Hội Nông dân chúng tôi sẵn sàng đứng ra làm cầu nối để các doanh nghiệp và nông dân liên kết chặt chẽ với nhau vì một nền nông nghiệp an toàn, chất lượng.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT: Tiếp tục nhân rộng những điển hình

img

Tôi đánh giá cao các doanh nghiệp đã đi đầu trong việc ký cam kết và rất mong các cơ quan thông tấn, báo chí đồng hành cùng các doanh nghiệp đã cam kết trong việc thông tin đầy đủ về sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn của doanh nghiệp, nơi bán sản phẩm để người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm an toàn, giúp người nông dân, người sản xuất yên tâm sản xuất, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động áp dụng quy trình thực hành sản xuất tối (GAP; GMP); hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và kiểm tra, giám sát xác nhận các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn theo chuỗi. Sau lễ ký kết này, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các DN làm các thủ tục cần thiết để được cấp chứng nhận chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi của Bộ NNPTNT.

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo NTNN: Cần ưu tiên truyền thông về nông sản an toàn

img

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, việc truyền thông các địa chỉ này còn hạn chế. Một phần nguyên nhân là do, các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc cung cấp thông tin để quảng bá sản phẩm, đặc biệt là nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá truyền thông về sản phẩm, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp startup. Đây cũng chính là lý do dẫn đến việc còn “khan hiếm” thông tin về thực phẩm sạch.

Chúng tôi đề xuất Chính phủ cần dành nguồn lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong việc quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn tới người tiêu dùng cả nước. Bộ NN&PTNT, cần xây dựng chiến lược truyền thông dài hơi về chương trình an toàn thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Báo NTNN và các cơ quan truyền thông khác trong việc tuyên truyền về Chương trình Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch.

15 doanh nghiệp tham gia ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn:

1. Tập đoàn TH

2. Công ty CP Cung ứng Rau quả sạch quốc tế FVF

3. Công ty VinEco

4. Tập đoàn Dabaco Việt Nam

5. Công ty TNHH Ba Huân

6. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

7. Tập đoàn Quế Lâm

8. Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1)

9. Công ty CP Vietrap Đầu tư thương mại

10. Chuỗi thực phẩm sạch An Viet Food

11. Doanh nghiệp Tư nhân Thủy sản Đắc Lộc

12. Công ty Lenger Việt Nam

13. Công ty Thực phẩm sạch Biggreen

14. Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh

15. Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao - Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam (DAA Việt Nam)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem