Theo đó, các tàu xếp dỡ chuyển tải tại các điểm neo HL2, HL3, HL4, HL5, HL11, HL12 và HL15 (khu vực thuộc Cửa Dứa - vịnh Hạ Long) sẽ phải dịch chuyển sang vị trí mới tại khu vực Hòn Nét (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Sau phản ánh về hoạt động sang tải gây ô nhiễm tại khu vực gần cảng Hòn Gai, trên vùng biển vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, vào sáng 31.5.2012 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định 2657 yêu cầu “chấm dứt mọi hoạt động bốc xếp, chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hóa dời (dăm gỗ, đá các loại…) trên vịnh Hạ Long trước ngày 31.12.2012.
Tuy nhiên việc sang tải gây ô nhiễm vịnh Hạ Long vẫn tiếp diễn, trong bài “Bụi clinker tung mù trời vịnh Hạ Long ngay trước mắt du khách”, báo Dân Việt đã phát hiện: “Bụi tung lên trắng xóa sau những gầu xúc cỡ lớn sang tải clinker từ các sà lan lên 2 tàu Amico và Teo có trọng tải hàng vạn tấn. Đó là những hình ảnh gây ô nhiễm rất phản cảm mà du khách tham quan vịnh Hạ Long chứng kiến ở khu vực gần cảng Hòn Gai, trên vùng biển vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào sáng 31.5.2012…”.
Chính sau phản ánh này, để đảm bảo phát triển bền vững cho cảnh quan cũng như môi trường Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long - kỳ quan của nhân loại đã được UNESCO yêu cầu bảo vệ tuyệt đối, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định số 2657, ngày 19.10.2012 yêu cầu “chấm dứt mọi hoạt động bốc xếp, chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hóa dời (dăm gỗ, đá các loại…) trên vịnh Hạ Long trước ngày 31.12.2112. Việc chuyển tải, bốc xếp các loại hàng hóa trên thực hiện tại khu vực chuyển tải Hòn Nét thuộc vịnh Bái Tử Long…”.
Quyết định này đưa ra nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân cũng như cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, sau gần 6 tháng sau ngày 5.4.2013 UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ra Quyết định 887 để thay thế văn bản số 2657 (Quyết định 887 của UBND tỉnh Quảng Ninh, PV được biết và cung cấp từ Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh sau buổi làm việc xung quanh nội dung bài báo: Sang tải hàng hóa trái phép gây ô nhiễm vịnh Hạ Long).
Theo tìm hiểu của phóng viên, lý do Quyết định 887 ra thay thế 2657 là bởi: Với địa điểm chuyển tải ở Hòn Nét (Cẩm Phả), chi phí chuyển tải, thời gian chuyển tải hàng, cảng phí cho tàu lớn tăng, tốc độ giải phóng tàu giảm…
Quá trình sang tải mặt hàng đá vôi gây ra khói bụi, ô nhiễm vịnh Hạ Long ngày đầu năm mới 2016.
Theo Quyết định 887 thì chỉ chấm dứt mọi hoạt động bốc xếp, chuyển tải rời là clinker, xi măng và dăm gỗ trên vịnh Hạ Long còn hoạt động sang tải hàng hóa đối với các mặt hàng khác vẫn diễn ra bình thường.
Chính điều này ông Hoàng Xuân Tùng - Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ Quảng Ninh - cho rằng, việc sang tải hàng hóa ngoài 3 mặt hàng là clinker, xi măng, dăm gỗ gây ô nhiễm mà UBND tỉnh đã cấm, thì việc sang tải các hàng hóa khác đều đúng quy định.
Tuy nhiên, ghi nhận của Dân Việt, ngay những ngày đầu năm mới, quá trình sang tải mặt hàng đá vôi vẫn gây ra khói bụi, ô nhiễm vịnh Hạ Long. Hàng hóa là xi măng nằm trong danh mục cấm theo quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn được sang tải bình thường. Bên cạnh đó còn diễn ra việc công nhân trên sà lan chở hàng xả rác trực tiếp xuống biển.
Quyết định 2657 và Quyết định 887 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa... trên vịnh Hạ Long.
Sau 2 quyết định trên, ngày 22.2, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ra văn bản về việc hàng hóa trái phép trên vịnh Hạ Long gây ô nhiễm môi trường. Theo văn bản mới nhất này thì yêu cầu dừng ngay hoạt động sang tải hàng hóa trái phép giữa tàu biển với sà lan gây ô nhiễm môi trường.
Trong năm 2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã quyết định giao Bộ GTVT tiến hành phân loại hàng hóa để giảm bớt việc chuyển tải hàng hóa tại vùng cảng biển Hòn Gai (Quảng Ninh) của các tàu thuyền vào các cảng thuộc TP.Hải Phòng.
Được biết, trong năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo Bộ Công Thương, đưa mặt hàng than cám vào danh mục khoáng sản cấm xuất khẩu, do đó lưu lượng tàu vào cảng Hòn Nét đã giảm đi nhiều. Có nghĩa, cảng Hòn Nét có đủ năng lực để tiếp nhận thêm các tàu hàng mà không cần chuyển tải, giảm tải ở khu vực Cửa Dứa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.