Sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân

Chủ nhật, ngày 23/10/2011 14:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, phóng viên NTNN đã có cuộc phỏng vấn Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Bình luận 0
img
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho biết: Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược của Quân uỷ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược của chiến trường miền Nam, tạo nên hệ thống mạch máu giao thông chủ đạo và hoàn chỉnh chi viện kịp thời, hiệu quả cho miền Nam đánh thắng quân thù.

Trong nhiều tài liệu cho thấy, đối phương đã hết sức bất ngờ với con đường này, ông có thể cho biết thêm về chiến thuật mà ta đã áp dụng?

- Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, thì ta mới chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ, nhưng chúng ta đã biết dựa vào sức mạnh to lớn của nhân dân để vượt qua mọi khó khăn.

Đây là con đường và phương pháp vận chuyển độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh thế giới. Nó làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về sự có mặt, quy mô, sự dũng cảm và tính sáng tạo vô song của con đường, những con tàu và những con người tham gia tuyến đường.

Chúng ta đã mở đường vận tải trên biển đúng thời cơ; sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến; dẫn tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế; địch phong tỏa đường trong, ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài, ta đi phân đoạn, địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế, khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ.

Những chiến công trên đường Hồ Chí Minh trên biển để lại cho chúng ta những bài học gì trong xây dựng Hải quân Nhân dân hôm nay?

- Đường Hồ Chí Minh trên biển đã để lại cho chúng ta nhiều bài học thiết thực, nhưng trước hết, phải nhận thức đúng đắn về vai trò của biển, đảo nước ta; về chiến lược biển của Đảng, về xây dựng Hải quân nói chung, lực lượng vận tải quân sự biển nói riêng không ngừng lớn mạnh.

Bởi vì Việt Nam ta có bờ biển dài, địa hình phức tạp, tạo thành những vịnh lớn nhỏ, kín đáo cùng với hệ thống đảo và quần đảo trải trên vùng biển rộng lớn. Do nước ta ở vị trí địa chính trị - địa kinh tế - địa quân sự đặc biệt quan trọng, nên kẻ địch bên ngoài thường lợi dụng để tiến hành chiến tranh xâm lược.

img
Tàu HQ 996 và hành trình “Theo dấu đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Trong xu thế hội nhập vươn ra biển lớn, với sự phát triển kinh tế biển của nước ta, Hải quân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước giao cho những trọng trách vô vùng to lớn, đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với truyền thống anh hùng của Hải quân, chúng tôi lúc nào cũng khẳng định, luôn sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Vấn đề biển đảo và phát triển kinh tế trên vùng biển chủ quyền của nước ta có thể khai thác được gì từ con đường huyền thoại này?

- Trong phát triển kinh tế biển của nước ta, thì hiện nay, ở tất cả các vùng biển chủ quyền của nước ta đều có ngư dân đánh bắt thủy hải sản và làm nghề biển. Đối với những ngư dân đánh bắt cá thì Hải quân luôn sát cánh cùng ngư dân bằng cách phân công tàu ứng trực tuần tra bảo vệ và cứu hộ cứu nạn mỗi khi ngư dân gặp nạn trên biển. Ngoài ra còn xây dựng các địa điểm tránh trú bão ngay trên các huyện đảo, để đảm bảo tính mạng và tài sản cho ngư dân.

Có ý kiến cho rằng chúng ta có thể phát triển du lịch biển theo đúng hải trình của những đoàn tàu không số, xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

img Hiện nay ở tất cả các huyện đảo đều có nhân dân sinh sống, đời sống ngày càng được nâng cao, ở các huyện đảo đều có điện, nước ngọt, sóng truyền hình và điện thoại đầy đủ, người dân được quân y chăm sóc sức khỏe, và đặc biệt là tất cả đều có trường học, để các em theo học ngay tại trên đảo mà mình sinh sống. img

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

- Về phát triển du lịch thì hiện nay xu thế tổ chức những chuyến du lịch biển, đi tham quan những quần đảo nổi tiếng của nước ta, Quân chủng Hải quân vẫn thường xuyên kết hợp với các ban, ngành đoàn thể khác tổ chức.

Ngay trong dịp này, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mở chuyến đi về cội nguồn hành trình theo con đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, từ Hải Phòng vào đến Cà Mau bằng tàu khách HQ996, với chuyên đề kỳ học trên biển cho những cán bộ đoàn viên thanh niên có thành tích xuất sắc.

Trong tương lai, chúng tôi còn tổ chức nhiều chuyến du lịch nữa tới các huyện đảo xa xôi. Hiện nay với tiềm năng vận tải của lực lượng Hải quân, chúng tôi đủ sức thực hiện các chuyến tàu du lịch để đưa nhân dân đi tham quan biển đảo của nước ta. Và với Hải quân, việc phát triển kinh tế biển đảo cũng là một nhiệm vụ để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem