Trong cuốn hồi kí Thương Tín – Một đời giông bão, tôi đã chia sẻ nhiều về cuộc sống khốn khó khi về già. Theo tôi, đây là lúc nên nói ra hết những sự thật đó, không phải để đòi hỏi quyền lợi cho bản thân mà là vì cái chung của những người nghệ sĩ. Chúng tôi cần phải được để ý, quan tâm hơn nữa.
Nghệ sĩ chúng tôi sống hết mình vì nghệ thuật, cống hiến cả cuộc đời làm nghề nhưng cuối cùng chỉ nhận được sự cô đơn, khổ cực, chẳng được quan tâm đãi ngộ gì.
Tôi là một diễn viên điện ảnh, truyền hình nhưng nghề mà tôi theo đầu tiên là kịch nói. Tôi từng được 5 huy chương vàng toàn quốc về lĩnh vực kịch. Những người trong nghề đều hiểu được rằng để có một chiếc huy chương vàng toàn quốc là điều rất khó chứ không hề đơn giản. Còn ở lĩnh vực phim, tôi mới được một giải Mai Vàng với phim Bài ca không quên. Tuy nhiên Mai Vàng chỉ là giải ở phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải toàn quốc.
Nhiều người không để ý đến việc đóng kịch của tôi dù tôi hoạt động trong lĩnh vực này rất nhiều. Thậm chí, có thể khẳng định, sự nghiệp chính của tôi là đóng kịch. Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn chưa được công nhận danh hiệu nào ở cả hai lĩnh vực là phim và kịch.
Diễn viên Thương Tín.
Tôi vẫn hay nói với bạn bè về câu chuyện danh hiệu mà tôi xứng đáng được nhận. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa có một danh hiệu nào được nhà nước phong tặng cả. Tôi không coi trọng những chuyện đó, thậm chí trong túi có vài ngàn đồng hay không, tôi cũng chẳng để ý.
Cách đây hơn 10 năm, tôi từng gọi điện đến văn phòng của Hội nghệ sĩ ở Hà Nội. Tôi hỏi về tiêu chí để được phong danh hiệu NSƯT là như thế nào và được trả lời là phải có 2 huy chương vàng hội diễn toàn quốc. Tôi mới tự xưng là Thương Tín và trình bày rằng đã có 5 huy chương vàng về kịch nói rồi, bây giờ phải làm như thế nào nữa để được phong NSƯT? Nói đến đó thì bên đầu dây bên kia cúp máy.
Đằng sau câu chuyện phong danh hiệu cho nghệ sĩ là những chuyện rối rắm như vậy. Nghệ sĩ Thanh Loan có nói với tôi rằng: "Con khóc thì mẹ mới cho bú", trong khi, bản tính của tôi ngại va chạm, rụt rè và ít tiếp xúc nên mới bị như vậy. Việc không được phong danh hiệu là điều đáng tiếc và thiệt thòi. Nhưng đến bây giờ, nếu cho danh hiệu NSƯT, tôi cũng không nhận. Tôi nghĩ, tình cảm của khán giả dành cho mình trong suốt thời gian qua cũng đáng quý lắm.
Cuộc đời của tôi, ngẫm ra, chẳng giống ai hết, những ngặt nghèo, khổ sở và éo le cứ dồn vào mình. Nhiều người đã xem cuốn hồi kí và bảo tôi rằng sao cuộc đời tôi toàn những khổ sở và đớn đau như thế. Tôi mới nói với họ, tôi cũng muốn cuộc đời mình có những thứ đẹp đẽ, tươi vui để kể nhưng thực tế là không hề có. Chẳng lẽ tôi phải hư cấu, tô vẽ lên sao?
Vào những ngày đầu tháng 1.2016, lễ trao danh hiệu NSƯT, NSND được tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi sự xuất hiện của nhiều nghệ sỹ trẻ vừa bước sang tuổi 30 như diễn viên múa Linh Nga, Tạ Thùy Chi. Đặc biệt, trường hợp Tự Long được phong NSND khi mới 43 tuổi, sau 2 năm nhận danh hiệu NSƯT (năm 2013) đã khiến không ít người cảm thấy bất ngờ và xôn xao thảo luận.
Là một trong số nghệ sỹ gạo cội của làng điện ảnh Việt Nam và đã ngoài 60 tuổi nhưng Thương Tín vẫn chưa có danh hiệu nào. Trăn trở về vấn đề này, tài tử Ván bài lật ngửa đã lấy trường hợp của bản thân để chia sẻ suy nghĩ của mình về giá trị và ý nghĩa của những danh hiệu trên. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.