Đọc cuốn hồi ký thấy cuộc sống của anh thời nhỏ khá sung sướng. Nhưng ngay từ những năm thiếu niên, anh đã có cuộc sống đường phố, lang thang, bụi bặm. Lúc đó anh nghĩ gì để quyết định như vậy?
Nghệ sĩ Thương Tín chia sẻ trong buổi ra mắt báo chí và khán giả Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà
- Nghệ sĩ Thương Tín: Ba tôi là thanh tra y tế vùng, nên việc di chuyển đi các tỉnh là hết sức bình thường. Cứ 5 năm 1 lần nhà tôi lại chuyển tới tỉnh mới theo công việc của ba, nên điều đó đã ảnh hưởng tới tính cách, suy nghĩ của tôi. Ngày bé với những đứa trẻ khác thì ước mơ là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, còn bản thân tôi thì thích phiêu lưu nên tôi ước mơ làm tài xế. Hơn nữa, bố mẹ tôi là người sống theo phong cách hiện đại, tôn trọng quyết định của con. Hơn nữa, vì là con cả, con đầu nên tôi cũng được nuông chiều, cộng với tính cách của tôi cũng khá mạnh nên khi thích phiêu lưu là tôi đi, bố mẹ tôi không cản.
Nhiều khán giả khi đọc xong cảm thấy tiếc, với một cuộc đời giông bão như anh, 200 trang sách là quá ít?
- Thật sự, khi tôi chia sẻ với nhà báo Đinh Thu Hiền, cô ấy có nói với tôi rằng, vào thời điểm hiện tại, có nhiều chuyện anh không thể nói ra được, nó quá nhạy cảm và đụng tới nhiều vấn đề. Trong khi bản tính tôi khi đã nói là phải nói thật, không thể nói tránh hay nói khéo, còn đã không nói thì thôi. Ngay khi cuốn hồi ký được ra mắt trong Nam, có nhiều bạn bè tôi đã trách cứ, tại sao ông phải nói thật hết, kể cả chuyện ông có ý định vượt biên, điều đó đâu có lợi gì? Tôi nghĩ đó là nhược điểm của tôi mà tôi không sửa được.
Ngay khi cuốn hồi ký được xuất bản, rất nhiều khán giả đã đặt câu hỏi, nghệ sĩ Thương Tín quyết định viết hồi ký với mục đích gì?
Hồi ký “Thương Tín – Một đời giông bão” với 200 trang được chia thành 5 chương gồm: “Tuổi thơ nhiều biến động”, “Tuổi trẻ lãng mạn và khốc liệt”, “Hôn nhân không tình yêu”, “Những cuộc phiêu lưu tình ái”, “Một thời không thể nào quên”.
|
- Đầu tiên, ý định ra mắt sách là sự tình cờ. Sau một lần nhà báo Đinh Thu Hiền hẹn tôi phỏng vấn, khi anh em chào nhau ra về thì trời đổ mưa rất lớn, cả tôi và Hiền không về được. Chúng tôi cùng ngồi lại và nói dăm ba câu chuyện không đầu, không cuối.
Nghe xong câu chuyện tuổi thơ của tôi, Đinh Thu Hiền đề nghị tôi viết hồi ký. Cô thuyết phục tôi, nếu tôi viết hồi ký, có lẽ sẽ dành được một khoản tiền nào đó cho con gái của tôi.
Tôi đã suy nghĩ và đồng ý. Lý do thứ hai tôi không muốn giấu, mọi người lâu nay nghĩ làm diễn viên là sướng, nhiều tiền, nổi tiếng, nhưng không hẳn là như vậy. Diễn viên cũng nghèo, cũng khổ. Tôi đóng nhiều phim càng khổ, đóng nhiều phim còn phải mang tiền nhà đi. Thực chất, để đóng được một phim thời điểm đó, dù được một chỉ vàng, nhưng có phim quay trong một tháng, có phim quay trong 6 tháng, thì số tiền đó không thể nói là nhiều.
Với hàng trăm vai diễn, vai diễn nào ám ảnh anh nhất?
- Với các vai diễn, chưa vai diễn nào gây khó cho tôi, nhưng để nói ám ảnh thì vai diễn tướng cướp Bạch Hải Đường đã ám ảnh tôi rất nhiều. Hồi đó, bối cảnh bộ phim được quay trong một phòng biệt giam dành cho tử tù. Bộ phim quay liền hai tháng dằng dặc tại đây. Vẫn biết là mình vào đây đóng phim, không phải thực tại, nhưng tôi cảm thấy mình cũng khó bình thản ở trường quay quá đặc biệt ấy.
Cảm ơn anh!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.