Ngay trong thập kỷ UNESCO kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, diễn đàn chỗ nào cũng hô hào bảo vệ “bản sắc văn hóa đậm đà”… thì Hà Nội chuyển đất làng đào thành đất làm khu đô thị Ciputra, còn vườn đào gốc hiện thời là nhà của mấy chức sắc có hạng thời ấy cùng với những người giàu có… Xong việc mấy năm, khi đào bị “trục xuất” ra bãi sông Hồng thì người ta ríu rít đăng ký thương hiệu “Đào Nhật Tân”, quý hóa nâng niu như báu vật. Sao người ta có thể giả vờ tài thế.
Hôm nay lại đọc một bài báo ca tụng sản vật kinh kỳ “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây” và câu chuyện mới toanh: UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề cương quy hoạch chi tiết khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm đến năm 2020 trên phạm vi 5 phường Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bạc, Hàng Đào và vùng phụ cận với diện tích 16ha. Sẽ có vài tỷ hoặc vài chục tỷ ngân sách dành cho việc này nhưng kết quả có khi sẽ bằng không cho mà xem. Đó là chưa kể kế hoạch đến năm 2030 sẽ có 7 khu bảo tồn mới, toàn là những dự án bảo tồn “vuốt đuôi”, nhiều người sẽ nghĩ bày ra để tiêu tiền.
Đầm Sét còn không, đất Láng trồng húng còn không, môi trường hồ Tây có như xưa không mà đòi để sâm cầm trở lại? Mới đây người ta còn san lấp cả một hồ sen rộng 7 mẫu để làm nhà máy lọc nước Hồ Tây và phần còn lại làm khu vui chơi kiếm tiền. Những việc phá môi trường mỗi khi có tiền ngân sách bây giờ gần như là đương nhiên, ngang nhiên thách thức dư luận.
Đã phá nó rồi thì thôi, đừng cố bắt nó sống lại bằng những dự án tốn tiền ngân sách mà không đem lại hiệu quả gì, đừng giả vờ nữa, khóc hờ thế là quá đủ. Hãy để đồng tiền và công sức cho những cái mới cần hơn cho cuộc sống hôm nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.