Sắp có hàng chục giảng viên "xịn" quản lý dịch hại trên cây lúa

Thiên Ngân Chủ nhật, ngày 20/02/2022 14:37 PM (GMT+7)
Mới đây, tại Hưng Yên, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tổ chức khai giảng Khóa đào tạo giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa trong vụ đông xuân năm 2022.
Bình luận 0

Khóa đào tạo lần này là một trong 2 khóa đào tạo TOT-IPHM (theo kế hoạch tổ chức ở phía Bắc và phía Nam với 60 giảng viên quốc gia), nhằm giúp các học viên củng cố lại những kiến thức IPM, cập nhật các kiến thức mới trong IPHM dựa trên bộ tài liệu đã được kiện toàn và phê duyệt áp dụng trên toàn quốc.

Khoá đào tạo cũng nhằm nâng cao các kỹ năng huấn luyện nông dân thông qua các buổi học và thực nghiệm thực tiễn trên đồng ruộng, xuyên suốt toàn bộ giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa trong vụ đông xuân năm 2022…

Sắp có hàng chục giảng viên "xịn" quản lý dịch hại trên cây lúa - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc khóa đào tạo giảng viên quản lí dịch hại IPHM.

Theo Cục BVTV, những năm qua, chương trình "Quản lý dịch hại tổng hợp - IPM" cùng với các chương trình được cụ thể hóa như: 3 giảm 3 tăng, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), 1 phải 5 giảm… đã được triển khai sâu rộng ở nhiều địa phương, góp phần giảm sử dụng thuốc BVTV, phân bón cũng như lượng nước tưới trên đồng ruộng.

Các phương pháp này giúp nhà nông giảm chi phí, song lại làm tăng năng suất và lợi nhuận thu được từ cây trồng so với tập quán sản xuất cũ.

Ngoài ra, áp dụng biện pháp IPM còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với dịch hại và điều kiện thời tiết bất thuận. Kỹ thuật IPM được lồng ghép trong các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, GAP… được đánh giá là một chương trình góp phần nâng cao dân trí, kỹ năng sản xuất và xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, góp phần đắc lực vào chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững. 

Theo Cục BVTV, chương trình IPM được khẳng định là giải pháp trụ cột trong sản xuất cây trồng bền vững và giảm thiểu nguy cơ do thuốc bảo vệ thực vật.

Sắp có hàng chục giảng viên "xịn" quản lý dịch hại trên cây lúa - Ảnh 2.

Cục BVTV có kế hoạch bồi dưỡng bổ sung lực lượng lớn giảng viên TOT-IPHM từ hơn 400 cán bộ hiện đang công tác ở các Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trạm Trồng trọt và BVTV/Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, khuyến nông

Kế thừa những thành quả từ chương trình IPM, dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp" đã được Bộ trưởng Bộ NNPTNT phê duyệt, thực hiện trong 2 năm (2021-2022) với mục tiêu tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống BVTV. 

Trong đó, các hoạt động của dự án sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để nâng cao năng lực cho giảng viên và các cán bộ liên quan.

Trong thời gian qua, một số hoạt động của dự án đã được triển khai bao gồm: xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (dự thảo cùng báo cáo nghiên cứu của dự án); tổ chức các lớp đào tạo giảng viên nguồn TOT-IPHM…

Được biết, Cục BVTV cũng có kế hoạch bồi dưỡng bổ sung lực lượng lớn giảng viên TOT-IPHM từ nguồn lực của hơn 400 cán bộ hiện đang công tác ở các Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trạm Trồng trọt và BVTV/Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, khuyến nông, … đã có chứng nhận Giảng viên TOT-IPM do Cục BVTV cấp. 

Lực lượng cán bộ này chỉ cần được tập huấn bổ sung chương trình IPHM trong thời gian ngắn là có thể tham gia làm giảng viên TOT-IPHM cấp tỉnh ở các địa phương hoặc tập huấn IPHM cho nông dân trong thời gian sắp tới.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem