Sắp xét xử vụ nguyên ĐB Quốc hội bị dân kiện chiếm đất rừng

Thứ năm, ngày 25/04/2013 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người bị kiện là một giám đốc doanh nghiệp ở địa phương, nguyên đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Nghệ An, còn nguyên đơn, bị đơn đều là máu mủ, ruột rà...
Bình luận 0

Có lẽ chưa một vụ án dân sự nào mà người dân ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) lại đặt nhiều sự quan tâm đến thế. Người ta quan tâm không chỉ vì người bị kiện là một giám đốc doanh nghiệp ở địa phương, nguyên đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Nghệ An, mà còn bởi nguyên đơn, bị đơn đều là máu mủ, ruột rà. Chỉ vì muốn chiếm đoạt một mảnh đất rừng của gia đình chị ruột mà ông Lê Duy Nguyên đã bất chấp danh dự, tình cảm, làm giả nhiều chứng cứ để đạt bằng được mục đích của mình.

Vụ việc bắt đầu từ khi ông Trần Xuân Lập (75 tuổi, trú tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm đơn khởi kiện người em ruột của vợ mình là ông Lê Duy Nguyên (nguyên đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Nghệ An, giám đốc doanh nghiệp trồng rừng tại địa phương) ra TAND huyện Quỳnh Lưu để đòi lại 36,5ha rừng ông Lập đứng tên trong lâm bạ (sổ giao đất rừng cho dân) bị ông Nguyên chiếm đoạt.

 img
Anh Trần Xuân Nam chỉ cho PV khu vực đang tranh chấp.

Vì tuổi cao sức yếu, lại bị điếc 2 tai nên ông Lập ủy quyền cho con trai là anh Trần Xuân Nam tham gia tố tụng. Anh Nam cho biết, năm 1992, Nhà nước có chủ trương giao đất rừng cho các hộ dân ven biển, hộ ông Trần Xuân Lập được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp sổ lâm bạ số 02, ngày 10.1.1993, diện tích 36,5 ha, thời hạn 50 năm.

Ông Lê Duy Nguyên lúc đó đang là cán bộ của Trường Năng khiếu Phan Bội Châu biết việc nên đã tư vấn, giúp gia đình ông Lập hoàn thiện thủ tục để được Nhà nước giao đất rừng. Tuy nhiên, sau khi mọi việc xong xuôi, ông Nguyên đã ngang nhiên lên UBND huyện Quỳnh Lưu giả chữ ký của ông Lập để nhận sổ lâm bạ số 02 với tư cách chủ hộ.

Để hợp thức hóa việc này, ông Nguyên đã tự lập 2 bản cam kết giao quyền quản lý sử dụng đất rừng và lại tiếp tục giả mạo chữ ký của ông Lập để chuyển giao quyền quản lý 36,5ha đất rừng của ông Lập cho chính ông Nguyên. Năm 2010, khi Nhà nước thực hiện dự án xây dựng đường đi qua diện tích đất rừng cấp cho ông Lập trong sổ lâm bạ, ông Nguyên đã tự nhận là đất của mình để chiếm đoạt tiền bồi thường.

Thừa nhận hành vi giả mạo chữ ký

Ngày 6.1.2010, TAND huyện Quỳnh Lưu đã thụ lý vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng và tài sản”, nhưng theo ông Trần Văn Tiến - Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu, do ông Nguyên cùng với người trong doanh nghiệp của ông đã có hành vi dùng gậy và vũ khí đe dọa, cản trở cán bộ tòa án đến đo đạc và định giá tài sản nên mãi đến ngày 28.12.2011, vụ án mới được đưa ra xét xử.

 img
Ông Lê Duy Nguyên.

Trước HĐXX, ông Lê Duy Nguyên khăng khăng là thời điểm đó, do không thuộc diện được giao đất nên ông mượn tên ông Lập cùng với 2 hộ khác để làm đơn xin cấp đất trồng rừng. Ông còn nói rõ ràng là, chính quyền huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Lập không sai khi cho ông ký nhận lâm bạ đứng tên ông Lập vì "ai cũng biết đây là ý tưởng của tôi" và "họ không biết ông Lập là ai thì làm sao giao sổ được?".

Nếu như cái lý của ông Nguyên được chấp nhận thì có nghĩa là chính quyền huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Lập đã công khai làm sai các quy định của Nhà nước để tiếp tay cho ông Nguyên "lách luật" sở hữu đất rừng.

Để tăng sức nặng cho lời nói của mình, ông Nguyên còn trưng ra một bản cam kết giao quyền quản lý sử dụng, sản xuất kinh doanh đất trồng rừng cho ông Nguyên với chữ ký của 3 người đứng tên trên 3 lâm bạ, trong đó có ông Trần Xuân Lập.

Tuy nhiên, khi TAND huyện Quỳnh Lưu đưa tài liệu này đến Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng để giám định chữ ký của ông Trần Xuân Lập thì đơn vị này đã có văn bản kết luận: Chữ ký đó so với chữ ký mẫu của ông Lập không phải của cùng một người.

 img
Ông Nguyên (ngoài cùng bên phải) và ông Lập (thứ 2 bên trái) tại phiên tòa sơ thẩm.

Với những chứng cứ rõ ràng như vậy, không hiểu sao, sau phần nghị án, thẩm phán Hồ Ngọc Tiếp lại tuyên bố hoãn phiên tòa với lý do 3 người con có tên trong hộ khẩu của ông Trần Xuân Lập chưa có ý kiến hoặc ủy quyền về những quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phải đến ngày 26.3.2012, vụ án nói trên mới được TAND huyện Quỳnh Lưu đưa ra xét xử trở lại.

Ngày 6.12.2003, ngay sau khi ông Lê Duy Nguyên nghỉ hưu, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ký Quyết định số 281, cấp cho ông Nguyên 820ha đất ở vùng thượng nguồn khe Xu, khe Củi giáp Thanh Hóa.

Trước đó, ngày 11.8.1993, ông Nguyên xin thành lập doanh nghiệp trồng rừng mang tên Lê Duy Nguyên, do vợ ông là bà Nguyễn Thị Hưng đứng tên làm chủ. Như vậy là ông Nguyên đã thành lập doanh nghiệp trồng rừng từ khi chưa có đất rừng.

Trong phiên tòa này, ông Nguyên vẫn ngang nhiên thừa nhận hành vi "ký hộ" ông Lập vào lâm bạ số 02 và tái khẳng định ông mới là người được chính quyền giao đất sau khi trưng ra biên bản bàn giao lâm bạ và thực địa đất trồng rừng.

Quyết định sai trái của tòa sơ thẩm

Luật sư Lương Quang Tuấn - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Xuân Lập - phân tích: "Một điều vô cùng lạ là khi lập biên bản và bàn giao lâm bạ cũng như thực địa đất trồng rừng thì chủ hộ đứng tên trong lâm bạ là ông Trần Xuân Lập lại không có mặt.

Trong biên bản, phần “Bên nhận” ghi: “Chủ hộ nhận đất: Ông Lê Duy Nguyên” là người không hề có tên trong sổ lâm bạ để được nhận đất và cũng không được ông Lập ủy quyền theo quy định của pháp luật".

Theo luật sư Tuấn, cũng trong biên bản này, phần “Bên giao” ghi: “Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu: Ông Trần Sỹ Mỹ”. Ông Nguyên đưa ra Giấy xác nhận ngày 9.3.2012 của ông Phan Xuân Chất, nguyên Phó hạt trưởng Kiểm lâm Quỳnh Lưu với nội dung: Từ năm 1986 đến 1997, hạt kiểm lâm “đã hợp đồng với một số cán bộ lâm nghiệp đã nghỉ hưu như chị Thanh, anh Mỹ… để làm việc cho hạt.

Đầu năm 1993 tôi đã cử anh Trần Sỹ Mỹ ra Quỳnh Lập để giao đất lâm nghiệp cho ông Lê Duy Nguyên”. Nhưng nội dung xác nhận này lại mâu thuẫn, ông Trần Sỹ Mỹ sinh ngày 1.9.1942, năm 1993 ông mới 51 tuổi, không thể là “cán bộ lâm nghiệp đã nghỉ hưu”, còn trong lý lịch Đảng thì thời gian này ông Mỹ đang làm Bí thư chi bộ 13, xã Quỳnh Vinh. Điều đặc biệt hơn cả, biên bản này được Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu đóng dấu xác nhận ngày 25.1.1993 - tức mùng 3 Tết Quý Dậu!

 img
Luật sư Lương Quang Tuấn.

Trước những chứng cứ sai phạm không thể chối cãi như trên, một lần nữa, chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Hồ Ngọc Tiếp - lại làm cả phòng xử ngỡ ngàng khi tuyên bố đình chỉ vụ án sau hơn 2 năm thụ lý và xét xử.

Có dấu hiệu hình sự

"Theo như ông Nguyên tường trình thì các ông họp với nhau rồi thống nhất xin đất, ông Lập và 2 người khác đều làm đơn. Sau đó, khi biết có sổ lâm bạ, ông Nguyên đã không cho ông Lập biết, tự đến UBND huyện Quỳnh Lưu lấy, đồng thời tự tay ký nhận luôn. Rõ ràng cơ quan cấp lâm bạ cho ông Lập mà lại trao cho ông Nguyên là bất hợp pháp.

Người ta giả mạo chữ ký mà vẫn trao sổ lâm bạ cho người ta là vi phạm pháp luật. Và vì thế mới sinh ra biết bao hệ lụy phức tạp. Hành vi của ông Nguyên đã có dấu hiệu hình sự theo Điều 141 Bộ luật Hình sự. Tôi đề nghị việc này phải làm đến nơi đến chốn". (Luật sư Lương Quang Tuấn)

Luật sư Lương Quang Tuấn bức xúc: "Sau hơn 2 năm trời thụ lý giải quyết vụ án, với nhiều lần xử rồi hoãn, vụ án vẫn mang tên: “Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng và tài sản” theo đơn khởi kiện của ông Lập và Thông báo thụ lý vụ án ngày 7.1.2010 của TAND huyện Quỳnh Lưu.

Đùng một cái, ngày 27.3.2011 (sự thật là ngày 27.3.2012), TAND huyện Quỳnh Lưu ra quyết định số 03/2012/QĐST do chủ tọa phiên tòa Hồ Ngọc Tiếp ký, có nội dung: “Đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp “Góp vốn đầu tư là quyền sử dụng đất lâm nghiệp”. Quyết định này không có giá trị pháp lý cả về thời gian và nội dung vì đều không chính xác với vụ án đã được đưa ra xét xử".

Nhận được kiến nghị của luật sư và kháng cáo của nguyên đơn, TAND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định số 01/2012/QĐKDTM-PT ngày 25.7.2012 khẳng định “Quyết định đình chỉ vụ án là vi phạm pháp luật tố tụng dân sự”, và quyết định: “Hủy toàn bộ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 03/2012/QĐST ngày 27.3.2012 của TAND huyện Quỳnh Lưu, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Quỳnh Lưu giải quyết theo quy định”.

Phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An cho thấy chủ tọa phiên tòa Hồ Ngọc Tiếp đã ra một quyết định vi phạm pháp luật. Hiện ông Hồ Ngọc Tiếp là Phó chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu, nơi tiếp tục xét xử vụ án tranh chấp đất rừng giữa ông Trần Xuân Lập và nguyên đại biểu Quốc hội Lê Duy Nguyên.

Với những gì mà TAND huyện Quỳnh Lưu thể hiện suốt hơn 2 năm qua, cả gia đình ông Lập đều không còn đủ niềm tin để chờ vào sự phán xét công bằng của HĐXX trong phiên tòa dự kiến được xử vào ngày 26.4 sắp tới.

Theo Dòng Đời 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem