Sát cánh ngư dân những ngày gian khó

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 21/06/2016 13:30 PM (GMT+7)
Còn nhớ, khi hiện tượng cá chết bắt đầu lan đến Quảng Trị, anh chị em làm báo trên địa bàn ngay lập tức có mặt ở xã biển Vĩnh Thái và thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh). Cũng là con em nông dân, chúng tôi đau cùng nỗi đau của ngư dân...
Bình luận 0

LTS: Hiện tượng cá biển chết bất thường trong thời gian qua khiến người dân miền biển gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội còn có những người làm báo  - trong đó có Báo NTNN - ngày đêm sát cánh, đưa những thông tin trung thực, khách quan, nhân văn...

Nghĩa tình trong khó khăn

Lần đầu tiên những lão ngư bảy tám mươi tuổi, tóc bạc gần hết, đôi mắt đỏ ngầu... phải thốt lên “chúng tôi không muốn tin… biển chết”. 3 ngày, 7 ngày rồi nửa tháng, cứ mỗi ngày trôi qua cá chết cứ lan dần vào tận Thừa Thiên-Huế. Con số ước tính hơn 30 tấn cá chết được thu gom chôn lấp, thiệt hại trên 141 tỷ đồng khiến mọi người lo lắng không yên.

img

Tuy giá hải sản xuống thấp nhưng sau hơn 1 tháng cá chết, ngư dân Quảng Trị đã bám biển trở lại, đem về nhiều tôm cá.  Ảnh: N.V

img
Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, cũng như biển cả có lúc thăng, lúc trầm. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, ngư dân chúng tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn nhân dân cả nước đã quan tâm, chia sẻ với chúng tôi trong lúc trầm buồn này”.

Ngư dân Lê Văn Sinh (thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh)

Chúng tôi còn nhớ như in bóng dáng liêu xiêu của ngư dân Đặng Xuân Minh ngồi thẫn thờ ở bờ biển thôn Nam Sơn (Trung Giang, Gio Linh) – nơi hàng tấn cá nằm phơi bụng bốc mùi hôi thối. Anh Minh cùng vợ có hai người con đang tuổi ăn học.

Nhưng, suốt 3 năm nay vợ anh bị bệnh phù thận, mất sức lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà. Anh đã từng xoay xở, mượn vay đưa vợ đi chữa trị nhưng bệnh nặng, cạn tiền nên cuối cùng phải đưa vợ về nhà chờ chết. Con gái đầu của anh Minh đành bỏ học giữa chừng vào miền Nam làm công nhân đỡ đần ba mẹ.

Ngóng ra biển vắng, anh Minh buông tiếng thở dài mà nói rằng, không có thuyền lớn nên anh phải ra khơi bằng thúng chai. Cái ăn của gia đình anh từ đó trông cậy vào sự sẻ chia của bà con xóm nghèo. Cuộc sống ngư dân Việt Nam là vậy, dẫu khó khăn hay sung sướng, nghèo nàn hay giàu có luôn nương tựa vào nhau, sống trong niềm yêu thương, đùm bọc.

Giúp đỡ, sẻ chia

Hiện tượng cá chết dọc bờ biển Quảng Trị xảy ra, hầu như ngày nào lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ các ban, ngành, đoàn, hội… và những người làm báo đều có mặt ở biển để ghi nhận tình hình, động viên người dân bình tĩnh vượt qua khó khăn. Dịp lễ 30.4-1.5, trong khi người dân cả nước nô nức với ngày hội lớn thì tại Quảng Trị, anh chị em làm báo vẫn túc trực đêm ngày tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân. 

Khi Quảng Trị có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết, vì thời gian quá gấp nên việc chia gạo, hỗ trợ tiền… đôi lúc có chút bất cập. Cũng có lúc người dân chưa rõ chính sách hỗ trợ nên tỏ ra bức xúc chính quyền, điện báo cho anh chị em làm báo. Những lúc ấy, chúng tôi phải giải thích cặn kẽ cho người dân được rõ, khuyên họ bình tĩnh, cảm thông…

Thời gian sau, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm... trên địa bàn tỉnh và cả nước đã vào cuộc hỗ ngư dân vùng cá chết. Và đến ngày 30.5, đã có 7,7 tỷ đồng cùng 45 tấn gạo đến tay 13.431 hộ/64.875 nhân khẩu bị ảnh hưởng.  Đương nhiên, những món quà nhỏ, hành động kịp thời ấy đã được anh chị em làm báo đưa tin kịp thời để kêu gọi, đẩy cao tinh thần lá lành đùm lá rách ngày càng lan rộng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem