Sạt lở núi ở Nam Trà My: Xã Trà Leng nằm ở đâu mà việc tiếp cận hiện trường khó khăn đến vậy?
Sạt lở núi ở Nam Trà My: Xã Trà Leng nằm ở đâu mà việc tiếp cận hiện trường khó khăn đến vậy?
Khánh Nguyên
Thứ năm, ngày 29/10/2020 07:44 AM (GMT+7)
Vụ sạt lở núi ở Nam Trà My (Quảng Nam) khiến 53 người ở xã Trà Leng và xã Trà Vân bị mất tích, trong đó, theo thông tin ban đầu, vụ sạt ở xã Trà Leng đặc biệt nghiêm trọng, làm 45 người mất tích. Hiện, công tác tiếp cận hiện trường đang cực kỳ khó khăn.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đêm 28/10, hiện đã có thông tin ban đầu về 2 vụ sạt lở núi ở Nam Trà My vô cùng nghiêm trọng xảy ra tối 28/10 tại xã Trà Leng và Trà Vân, tuy nhiên đường đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận.
Vụ sạt lở tại thôn 1 xã Trà Leng làm 45 người dân mất tích, trước đó có 4 người may mắn thoát nạn. Vụ sạt lở tại thôn 1 xã Trà Vân có 8 người mất tích, thông tin mới nhất lúc 23 giờ đêm nay là đã tìm thấy 7 thi thể.
Được biết, xã Trà Leng nằm phía Bắc huyện Nam Trà My, cách trung tâm hành chính huyện gần 32km. Phía Đông giáp xã Trà Dơn, phía Tây giáp huyện Phước Sơn, phía Nam giáp huyện Đăk Glây (Kon Tum), phía Bắc giáp xã Trà Bui (Bắc Trà My).
Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn xã là: 11,653.9 ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã là 8,255.69 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 5794.69 ha.
Trà Leng vốn là một xã của huyện Trà My cũ. Ngày 20 tháng 6 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2003/NĐ-CP, chia tách huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam thành hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, Trà Leng trực thuộc Nam Trà My kể từ đó.
Xã Trà Leng có 4 thôn và 16 nóc. Cây truyền thống của xã là cây quế Trà My và gần đây là cây keo, cau, chuối và một số cây trồng lấy gỗ khác.
Cây quê được trồng ở tất cả các hộ gia đình, ở những mảnh vườn nhỏ đến những khu vườn rộng lớn, bao phủ cả vùng đồi.
Hiện xã có 300/492 hộ tham gia mô hình trồng quế, tổng diện tích gần 372.98ha, tập trung nhiều ở các thôn 1, 2, và thôn 4.
Sản lượng quế thu hoạch của xã hàng năm đạt hàng trăm tấn quế khô, đưa Trà Leng trở thành vùng trồng quế tập trung lớn của huyện Nam Trà My.
Sau khi cây quế Trà My được cấp chỉ dẫn địa lý, bên cạnh tạo mọi điều kiện hỗ trợ và quan tâm đến người trồng quế, chính quyền địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào trong việc chăm sóc, mở rộng diện tích trồng quế. Đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn nguồn gen quý, nhằm giữ được giống cây chuẩn chất lượng của quế Trà My.
Tuy nhiên, Trà Leng vẫn còn là một xã còn nhiều khó khăn. Đến nay, xã mới đạt 6 tiêu chí nông thôn mới.
Trà Leng cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mơ Nông (chiếm 98%), Xê Đăng, Ca Dong...
Tin cùng chủ đề: Sạt lở vùi lấp nhiều người ở Quảng Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.