iPhone giá rẻ là sản phẩm được săn đón nhiều dịp cuối năm
iPhone nhái “tung hoành” trên thị trường
Thời điểm Tết đã cận kề chính là lúc nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến. Đối với nhiều người trẻ, sau một năm tích góp, cuối năm là thời điểm họ tìm mua cho mình những món đồ chơi công nghệ giá cả phải chăng. Trong đó, iPhone cũ được xem là tiềm năng nhất bởi sản phẩm luôn được người tiêu dùng săn lùng.
Nhiều chủ cửa hàng đã tận dụng cơ hội này để áp dụng những “chiêu trò” nhằm lôi kéo khách hàng. Là một tín đồ công nghệ, anh Nguyễn Thanh Tùng (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) không mất quá nhiều thời gian để phát hiện ra những chiếc iPhone 7 nhái được bán tại nhiều cửa hàng trên các con đường Hùng Vương, Tô Hiến Thành, 3/2... với mức giá dao động từ 5 tới 7 triệu đồng. Trung bình hàng ngày, những cửa hàng này đều bán được từ 5 tới 7 chiếc iPhone giá rẻ.
Phố Đặng Dung (HN) là điểm tập kết của nhiều dòng điện thoại giá “siêu rẻ”
“Do từng có cơ hội sử dụng iPhone 7 của Apple nên khi xem qua những chiếc iPhone được bày bán tại một cửa hàng bán điện thoại di động trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 đã phát hiện ra đó không phải iPhone chính hãng. Đèn flash trên hai máy iPhone 7 và iPhone 7 plus đều tích hợp 4 mắt LED nhằm tăng độ sáng và sử dụng hai gam màu khác nhau để cân bằng trắng tốt hơn, đặc điểm này iPhone 7 nhái không có. Khi tôi gặng hỏi nhân viên bán hàng, họ mới nói những chiếc iPhone nhập từ Đài Loan và Trung Quốc”, anh Tùng nói.
Không chỉ tại các cửa hàng kinh doanh điện thoại, mà trên mạng cũng xuất hiện nhiều sản phẩm iPhone 7, iPhone 7 Plus được rao bán với giá từ từ 2 tới 3 triệu đồng. Dạo qua các trang mua bán trực tuyến như Chodientu.vn, Sendo, vatgia.com… không khó để tìm ra những chiếc iPhone giá siêu rẻ như vậy. Những chiếc iPhone 7, 7 Plus hàng nhái được các cửa hàng bảo hành từ 6 tới 12 tháng, thậm chí nhiều nơi còn cho đổi máy mới trong 15 ngày đầu tiên.
Có một số cách để nhận biết iPhone nhái như biểu tượng màn hình kém sắc nét, camera sau có đội lồi nhỏ, không có giắc cắm nằm kế bên dải loa
Song theo anh Nguyễn Duy Hùng - một người từng kinh doanh điện thoại di động, việc mua hàng công nghệ trên mạng luôn tồn tại rủi do lớn. Nhiều người kinh doanh điện thoại di động thường bỏ tiền thuê người viết bài quảng cáo, làm video trải nghiệm hoặc sử dụng luôn những bài đánh giá sản phẩm trên các trang công nghệ để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Ngoài ra, nhiều cửa hàng thường bán hàng với những tờ hóa đơn ghi thông tin không rõ ràng, không nói rõ trường hợp nào được đổi trả sản phẩm, trường hợp nào được bảo hành, thời gian đổi trả và bảo hành kéo dài bao lâu...
Anh Hùng cho biết: “Nếu ai tinh ý sẽ thấy iPhone của Đài Loan, Trung Quốc sẽ thấy chữ và các biểu tượng ứng dụng hiển thị trên màn hình không được sắc nét như iPhone chính hãng. Dùng một thời gian, cảm ứng sẽ bị loạn, máy hay rơi vào tình trạng quá tải, gây ức chế cho người dùng”.
Anh Tùng và anh Hùng đều có chung quan điểm, những khách hàng không am hiểu công nghệ hoàn toàn có thể mua nhầm iPhone giá rẻ, chất lượng thấp bởi kiểu dáng bên ngoài của chúng khá giống nhau, đều sử dụng vỏ nhôm nguyên khối, màu vàng, vàng hồng và màu bạc. Ngoài ra, do bị “choáng ngợp” trước mức giá rẻ và những khuyến mãi mà cửa hàng đưa ra, nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm luôn mà không xem xét kỹ lưỡng những chi tiết bên trong. Sau một thời gian sử dụng, chiếc iPhone xuống cấp thì đã quá muộn để đổi trả cho cửa hàng.
Ở Hà Nội, không chỉ riêng sản phẩm iPhone, nhiều loại điện thoại nhái theo những chiếc điện thoại của các hãng nổi tiếng như Blackberry, Samsung, Vertu cũng được xếp nằm cạnh nhau trên cùng một kệ hàng tại một số cửa hàng điện thoại trên các phố Đặng Dung, Lê Thanh Nghị... với giá bán chỉ vài triệu đồng. Khi có khách thắc mắc về giá bán, hay vì sao biểu tượng trên màn hình điện thoại kém sắc nét, nhân viên bán hàng chỉ nói rằng đó là hàng cũ được mua lại hoặc người nhà ở nước ngoài chuyển về nhưng không biết sử dụng nên bán lại.
Vỏ iPhone, hệ điều hành Android
Dù sở hữu giao diện giống hệt iPhone chính hãng, thậm chí khi vào phần cập nhật phần mềm, máy vẫn hiển thị đang chạy iOS 10. Song thực tế, nhiều iPhone nhái lại chạy hệ điều hành Android. Cụ thể, hệ điều hành của máy được nhái y hệt giao diện của iOS 10 với các widget và nút bấm giống hệt iPhone chính hãng, khiến nhiều người ít am hiểu sâu về công nghệ có thể nhầm lẫn. Tuy vậy, khi khách hàng truy cập vào ứng dụng App Store, iPhone nhái sẽ chuyển đổi sang chợ ứng dụng của hệ điều hành Android là Google Play Store.
Có một số cách để nhận biết iPhone nhái như biểu tượng màn hình kém sắc nét,...
Ngoài ra, sản phẩm nhái sử dụng chip xử lí của MediaTek và tính năng cảm biến vân tay cũng không hoạt động trơn tru như trên iPhone chính hãng.
Phân biệt iPhone thật, giả
Tuy kiểu dáng bên ngoài nhìn qua có vẻ giống nhau nhưng nếu nhìn kỹ, các chi tiết trên iPhone nhái có độ hoàn thiện không cao, không thể giống hoàn toàn iPhone chính hãng. Ngoài ra, dải loa đối xứng của iPhone nhái nhỏ hơn và không có giắc cắm tai nghe nằm kế bên hệ thống loa.
Về camera sau, iPhone 7 Plus sử dụng camera kép trong khi iPhone 7 vẫn là camera đơn. Song cả hai đều có độ lồi lớn do sử dụng hệ thống chống rung quang học. Trong khi đó iPhone 7 hàng nhái lại có độ lồi rất nhỏ.
Đèn flash trên hai máy iPhone 7 và iPhone 7 plus đều tích hợp 4 mắt LED tăng độ sáng và sử dụng hai gam màu khác nhau để cân bằng trắng tốt hơn. Điểm này khác hẳn so với iPhone 7 hàng nhái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.