Sát thủ đầu mưng mủ - Sành điệu gặp khó chịu

Chủ nhật, ngày 23/10/2011 05:30 AM (GMT+7)
Quyển sách Sát thủ đầu mưng mủ của họa sĩ Thành Phong do Nhã Nam và NXB Mỹ Thuật ấn hành vừa ra mắt bạn đọc đang tạo nên nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.
Bình luận 0

Ðây là một tập biếm họa được sáng tác theo kiểu: dùng tranh minh họa cho các thành ngữ của giới trẻ đương đại. Ðó là những lời ăn tiếng nói thông dụng, phổ biến, được vận dụng trong nhiều bối cảnh giao tiếp của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay, được tác giả sách gọi là "thành ngữ sành điệu".

Không phải là một tập sách chỉ đơn giản gom gói các "câu nói ngoài đường" để đưa vào sách, mà đây là một tập tranh minh họa/diễn dịch các câu nói đời thường của giới trẻ đang tồn tại như một thực thể của xã hội hôm nay.

 img
 

Hướng tiếp cận đó vừa có tính khoa học, vừa đòi hỏi khả năng nghệ thuật của người thực hiện. Và Thành Phong - tay cọ vừa đoạt giải cao nhất cho hạng mục truyện tranh trong cuộc thi truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á 2011 - ít nhất đã tạo được sự đồng cảm trong bạn đọc trẻ.

Người ta sẽ vẽ gì cho câu "đau khổ như con hổ"? Và giải pháp của Thành Phong là vẽ bức tranh con hổ đang rầu rĩ thắp hương trước bàn thờ của hổ bố - mà giờ hiện thân là gói cao hổ cốt! Có những cấu tứ thật sự thú vị và sáng tạo: như bức tranh vẽ người ăn mày khoát tay từ chối nhận tiền giúp đỡ vì... nghỉ làm vào ngày 1-5, bức tranh hai người đàn ông cưa bom đồng nát minh họa cho câu "cái khó ló cái... ngu", bức tranh gia đình "thuận vợ thuận chồng... con đông mệt quá"... quả thật ai xem cũng phải bật cười.

Khái niệm "Thành ngữ bằng tranh" là một hình thức mới, đây lại là thành ngữ sành điệu bằng tranh, là một loại hình ấn phẩm quá mới, nên lập tức dư luận chia ra thành nhiều hướng nhìn nhận. Nhất là khi sự mới ấy đã được tác giả tiên liệu bằng những câu cũng rất... thành ngữ: "Trần đời chưa có cuốn nào đối diện với vấn đề ngôn ngữ của giới trẻ Việt Nam trầm trọng như cuốn này!... Lại càng chưa có cuốn nào dấn thân với lời nói bằng những bức vẽ sành điệu củ kiệu cỡ này". Dấn thân với lời nói bằng bức vẽ, công việc ấy không dễ chia sẻ.

 img
 
 img
 Một vài bức tranh trong Sát thủ đầu mưng mủ

Nhưng trên các diễn đàn mạng đã thấy có ít nhiều ý kiến không đồng tình. Ðã có tờ báo mạng đặt vấn đề về quyển này là "dí dỏm hay nhảm nhí?", và nêu ý kiến phê bình một số hình ảnh "không có giá trị giáo dục đạo đức". Tất nhiên trong số tranh minh họa cho 115 câu thành ngữ ác liệt kiểu như thế, có những câu chưa được đắt lắm, thậm chí còn có vẻ vô duyên, vô nghĩa.

Những bức tranh "gào thét trong toa lét", "ngất trên cành quất", "ăn chơi sợ gì mưa rơi", "phi công trẻ lái máy bay bà già"... thuộc nhóm "đầu tư chưa tới" này. Cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại khi một số thành ngữ động chạm đến giềng mối đạo đức, như "một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ", "một điều nhịn là chín điều nhục", "ác như con tê giác"... có thể gây phản tác dụng trong cách xác lập giá trị đạo đức đối với lứa tuổi mới lớn (quyển sách được đóng dấu 15 + - dành cho độc giả 15 tuổi trở lên).

Dù vậy, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ, chẳng hạn có trang mạng (ione) cho rằng: "Cũng là những câu nói rất bình thường và hằng ngày của teen, song khi qua tay họa sĩ Thành Phong, những câu "ranh ngôn" ấy bỗng sống động cực kỳ và đáng để suy ngẫm chứ không chỉ đơn giản là mua vui, xả stress nữa". Có bạn trên trang Zing đưa ra nhận định về phong cách tranh của tập này: "Nét vẽ rất lạ, độc đáo, mang đậm nét Việt Nam chứ không bị pha lẫn với cách vẽ manga của Nhật Bản".

Tác giả Thành Phong tỏ ra tâm đắc với đặc trưng ưa hài hước, dí dỏm của người Việt. Với anh, "nền văn hóa Việt Nam có đặc trưng là dân gian và truyền miệng. Cộng với tính cách ưa hài, các câu nói đi vào lòng người rất nhanh. Lời ăn tiếng nói của dân ta lại thường chủ ý vần vò, đặc trưng này cũng khiến cho thành ngữ là loại dễ tiếp nhận.

Nếu nhìn nội dung những câu thành ngữ là sự khao khát muốn nghĩ khác, muốn sáng tạo cái mới thì đây chính là đặc tính và cũng là sức mạnh của tuổi trẻ. Và tôi nghĩ những câu nói này khá là vô hại, ngay chính sự tồn tại và được mọi người tiếp nhận đến mức phổ biến như vậy cũng nói lên được điều này".

Sách đã phát hành và đang thu hút sự quan tâm của người đọc trẻ. Người thích thú, người khó chịu, người chỉ coi là chuyện đùa vui, người lại nhìn thấy từ đó một chuyện nghiêm trọng cần được cẩn trọng... Người đọc nào cũng có lý do của mình trước sự xuất hiện "lạ đời" của một cuốn sách. Nhưng dù khen hay chê, vấn đề của ngôn ngữ truyền khẩu khi đi vào sách vở cũng đang được đặt ra và cần được mổ xẻ.

Theo Tuổi trẻ 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem