Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích?

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ tư, ngày 06/12/2023 10:56 AM (GMT+7)
Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Bình luận 0

94 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ông Nguyễn Thanh Hiên – Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, là dấu ấn sau hơn 12 năm xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi. Ảnh: T.H.

Toàn tỉnh có 148 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay có 94 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (giai đoạn 2016-2020). Thành phố Quảng Ngãi đang hoàn thiện hồ sơ, đề nghị thẩm tra, thẩm định, xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022.

Theo ông Hiên, để có được kết quả trên, ngoài nguồn vốn ngân sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 2.

Quảng Ngãi đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt mới để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: T.H.

Mặt trận các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể đã triển khai nhiều cách làm hay, tạo sự đồng thuận, khuyến khích người dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới bằng các công việc cụ thể như: hiến đất làm đường, kênh mương, xây dựng các công trình công cộng, phá dỡ tường rào cổng ngõ, chặt hạ cây cối hoa màu để mở rộng, làm đường giao thông và góp công, góp của để cứng hóa đường thôn, ngõ xóm, thắp sáng đường quê, vệ sinh môi trường….

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn dần được hoàn thiện, hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Từ đó, diện mạo khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh Quảng Ngãi thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 3.

Đến nay, Quảng Ngãi đã có 94 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: T.H.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, tỉnh tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Đàm Bàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: Phát huy lợi thế là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi (năm 2018), Ðảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Hành tiếp tục nâng chất các tiêu chí trên tinh thần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây chính là động lực để địa phương tiến gần hơn tới mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 4.

Một góc huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) hôm nay. Ảnh: T.H.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 5.

"Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, vì thế huyện Nghĩa Hành đang tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ các nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư, các dự án, từ sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đáp ứng yêu cầu của huyện nông thôn mới nâng cao. Đồng thời phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...", ông Bàng chia sẻ.

Kinh tế khởi sắc - thu nhập người dân tăng

Ông Hiên cho biết: "Vấn đề có tính chất cốt lõi, quyết định tính bền vững đối với chương trình xây dựng nông thôn mới là phải phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hiện nay góp phần huy động được nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn".

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 4.

Mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của anh Lê Giang Phong ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng/năm. Ảnh: T.H.

Tỉnh Quảng Ngãi có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối với các vùng kinh tế trong cả nước, nằm trên hành lang kết nối với Lào và Thái Lan, có đường sắt Bắc – Nam, đường hàng không, đường biển với cảng nước sâu Dung Quất, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đang đầu tư đường cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn... là điều kiện thuận lợi để phát triển các dịch vụ logistics, kho bãi, hậu cần nghề cá. Tạo tiền đề để tỉnh hình thành liên kết ngành, liên kết vùng trong công nghiệp và du lịch, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động dồi dào.

Địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, chế biến, chế tạo. Hiện nay, Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 5.

Quảng Ngãi đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Ảnh: T.H.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới.

Đến nay, toàn tỉnh có 459ha diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm; có 32 cánh đồng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 338,1ha, doanh thu bình quân đạt từ 100-283 triệu đồng/ha/năm; 105 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 1.943,5ha; dồn điền đổi thửa 7 cánh đồng, tổng diện tích 179,11ha....

Với lợi thế có cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng kho tàng văn hóa bản địa, tập tục và lối sống, ẩm thực phong phú, tỉnh Quảng Ngãi từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch biển đảo.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 6.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 157 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao, trong đó có 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 148 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ảnh: T.H.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 9.

Sản phẩm tinh bột nghệ của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hàng Nông sản Bốn Vân đạt chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: T.H.

Cùng với đó, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 157 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao, trong đó có 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 148 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Có 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 7 điểm; xã hội hóa 100% 5 điểm).

"Trong quá trình triển khai thực hiện việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn so với giai đoạn trước. Song, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp tích cực của nhân dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nỗ lực duy trì và phát huy các tiêu chí đã đạt, giữ chuẩn nông thôn mới và tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…", ông Nguyễn Thanh Hiên – Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi.

Sau 12 năm xây dựng nông thôn thôn mới, Quảng Ngãi có bao nhiêu xã về đích? - Ảnh 11.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem