Ngày 1.6 tới, thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường, quản lý chất lượng vàng trang sức lưu thông trên thị trường chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, việc triển khai thông tư này như thế nào cho hiệu quả lại không hề dễ dàng, trong bối cảnh trên thị trường đang “tồn” số lượng lớn sản phẩm chưa đáp ứng chuẩn của thông tư đưa ra.
Theo nhận
định của nhiều DN chuyên sản xuất kinh doanh vàng hiện nay: Thông tư 22 có hiệu
lực sẽ bảo vệ người tiêu dùng, bởi từ trước đến nay thị trường vàng nữ trang khá
“lộn xộn”, không có cơ quan nào kiểm soát về chất lượng, hàm lượng dẫn đến tình
trạng người bán “ăn gian tuổi vàng” của người tiêu dùng.
Việc kinh doanh vàng của các cửa hàng nhỏ lẻ khu vực TP.HCM đang giảm từ 40% đến 60% trong 2 tháng gần đây.
Tuy
nhiên, việc triển khai quá gấp gáp thông tư này cũng khiến nhiều DN gặp khó khi đang nắm trong tay số lượng lớn sản
phẩm không đủ tiêu chuẩn.
Lợi cho người tiêu dùng
Theo quy
định tại Thông tư 22, vàng trang sức, mỹ nghệ khi lưu thông trên thị trường phải
phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Thêm vào đó, các
doanh nghiệp kinh doanh phải đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm
mới được lưu thông trên thị trường. Cụ thể, vàng 18k theo đúng quy chuẩn thì
hàm lượng vàng phải đạt từ 75%, đối với vàng 24k thì hàm lượng vàng không được
thấp hơn 99,9%.
Thực tế,
thời gian qua việc kiểm soát chất lượng luôn bị thả nổi nên thực chất vàng nữ
trang 18k mà doanh nghiệp đang bán ra thị trường đang ăn gian tuổi vàng của người
tiêu dùng (chỉ khoảng 58-68%).
Khi Thông tư 22 chính thức có hiệu lực, quy định giới hạn sai số của kết
quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ
như sau: Vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng
từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%. Cũng
vì thế, sẽ có hàng triệu sản phẩm vàng nữ trang trên thị trường hiện nay không đủ chuẩn để lưu hành.
Doanh nghiệp nhỏ gặp khó
Trong bối
cảnh khó khăn như thế, nhiều DN lớn đã chủ động ứng phó với biến động của thị
trường, giảm tối đa mức thiệt hại. Đại diện một cửa hàng của Công ty cổ phần
Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3) cũng cho biết: “Hiện nay,
để sản phẩm vàng cung ứng ra thị trường đúng tuổi, công ty đã sử dụng nguyên liệu
có hàm lượng vàng cao hơn, chẳng hạn để sản phẩm đạt được hàm lượng vàng 75%,
công ty đã phải sử dụng nguyên liệu có hàm lượng 75,3% - 75,5%”.
Cũng
theo người này: “Đối với những sản phẩm sản xuất từ trước đó, công ty cũng tiến
hành điều chỉnh lại thông tin đúng theo tuổi vàng. Chẳng hạn trước đây, công ty
đăng ký sai số hàm lượng vàng trong sản phẩm là +/- 0,5%, nhưng Thông tư 22 thì
hàm lượng có sai số thấp hơn, từ 0,1% đến 0,3% nên chúng tôi cũng điều chỉnh
cho phù hợp”.
Cũng
không mấy lo lắng trước khi Thông tư 22 có hiệu lực, ông Nguyễn Công Tường, Trưởng
phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho hay: “Chúng tôi
không lo lắng vấn đề này vì từ năm 2011 đến nay, sản phẩm do Công ty SJC sản xuất
đều đáp ứng tiêu chuẩn hợp quy quy định, tiêu chuẩn này cũng nằm một phần cơ bản
trong Thông tư 22 và đã tạo được uy tín với khách hàng từ nhiều năm nay”.
Khác với
sự bình tĩnh của các DN lớn, theo ghi nhận của Dân Việt, hiện các DN kinh doanh
vàng nhỏ lẻ tại TP.HCM lại như đang “ngồi trên đống lửa” để quan sát các động
thái từ Bộ Khoa học và Công nghệ, bởi nếu áp dụng thông tư thì sẽ bị thua lỗ
nhưng nếu không áp dụng thì sẽ bị xử phạt.
“Nếu như
Bộ Khoa học và Công nghệ điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Thông tư 22 thêm
vài tháng nữa thì chúng tôi may ra mới giải quyết ổn hàng trăm sản phẩm tồn kho
không đủ chuẩn”, đại diện một DN sản xuất, gia công vàng bạc đá quý trên địa
bàn Q.Phú Nhuận than thở.
Trong
khi đó, với các cửa hàng kinh doanh nhỏ thì lại đưa ra nhiều biện pháp ứng phó
với Thông tư 22. Ông Phạm Thành Nhân, chủ cửa hàng vàng bạc đá quý Kim Nhân Tâm
(Q.10) lo lắng: “Ai cũng muốn thực hiện theo đúng pháp luật Nhà nước, nhưng thời
gian ngắn quá không thể xử lý hàng tồn kịp, nếu giờ đưa hết đi phân kim thì
thua lỗ, bởi 1 lượng vàng giờ mang đi phân kim thì cũng mất 2 phân, đó còn chưa
tính tiền công. Chính vì vậy, thời gian tới có lẽ chúng tôi sẽ áp dụng kinh
doanh theo hình thức đổi mới lấy cũ cho khách hàng để giảm thiểu thua lỗ tới mức
thấp nhất”.
Đồng
quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, chủ tiệm vàng Vạn Phát (Q.3) nói:
“Hơn một tháng nay chúng tôi chỉ kinh doanh được khoảng 60% so với những tháng
trước, do hiện tại không ai chịu bỏ tiền mặt ra mua vàng mà chủ yếu là đổi, sửa
chữa. Việc gia công sản phẩm thì còn tệ hơn vì các khách hàng đều đặt làm lẻ,
nhưng các công ty không sản xuất. Chúng tôi cũng không dám gia công nữa nên hiện
tại càng ngày càng mất khách”.
Quốc Hải (Quốc Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.